Văn hóa - Giáo dục

Lễ Xăng Khan - Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái

08:48, 03/02/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đồng bào dân tộc Thái thường nói với nhau, trong đời sống của họ không thể thiếu lễ Xăng Khan. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và có những thay đổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển, lễ Xăng Khan vẫn là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.

 Lễ Xăng Khan - ngày hội tưng bừng của đồng bào dân tộc Thái
Lễ Xăng Khan - ngày hội tưng bừng của đồng bào dân tộc Thái

Cùng với việc tổ chức Đêm hội sắc Xuân miền Tây Nghệ An năm 2018, vào ngày 3/2/2018, Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh Nghệ An phối hợp với các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quế Phong và TX Thái Hòa sẽ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Xăng Khan.

Lễ Xăng Khan có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ, là sinh hoạt văn hóa không thể tách rời trong đời sống tinh thần, là dịp để người Thái thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc thần linh, tổ tiên, dịp để bà con dân bản tạ ơn công lao của các ông mo - những người đóng vai trò kết nối giữa đời sống thực tại của bản làng và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà tổ tiên. Không ai nhớ chính xác nghi lễ Xăng Khan có từ bao giờ. Các già làng nói rằng, khi “phèn đín tọ bở ba, phèn phà to kết hói, nơ phu nơ pạ to họi cày thường, cà mi xăng khản”, nghĩa là: Khi mặt đất bằng lá đa, bầu trời bằng vảy con ốc, núi rừng bằng dấu chân con gà ri thì đã có Xăng Khan.

Lễ Xăng Khan có rất nhiều nghi thức, nghi lễ như: Lễ “Pay toọc tang” (đi kiếm cây cọ tang), lễ đón “mo khu”, “mo bạn” (mo thầy, mo bạn), lễ “xạc húa” (gội đầu), lễ “khạy đản” (lễ mở màn), lễ “xơ ký yên” (cúng cầu yên)… Ngoài ra, còn có rất nhiều trò diễn, trò vui. Cứ sau mỗi nghi lễ lại có một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ đó, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh. Hết nghi lễ, trò diễn này lại đến nghi lễ, trò diễn khác, cứ như thế cho đến lúc tan hội. Ngoài các trò diễn, trong lễ hội Xăng Khan còn có nhiều hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như múa, hát nhuôn, hát xuối, khắc luống, đánh cồng chiêng, gõ boong bu, thổi khèn…

Lễ Xăng Khan vừa mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Thái, do con người sáng tạo và giữ gìn, trao truyền từ  thế hệ này sang thế hệ khác và đời này qua đời khác. Trải qua hàng trăm năm, lễ hội Xăng Khan là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền rất đặc biệt; là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, mang tính gắn kết cộng đồng rất cao của tộc người Thái, đã tạo ra một bản sắc văn hóa riêng biệt không thể lẫn lộn với bất kỳ dân tộc nào.

Ngoài ra, giá trị lịch sử của lễ hội thể hiện qua những bài cúng của các thầy mo là những trường ca, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích bằng văn vần, kể về thuở khai bản lập mường, về những người anh hùng dân tộc Thái, về cuộc sống thần linh, ông bà, tổ tiên của người Thái. Đây cũng là những tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Thái; đồng thời nó cũng là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái ở Nghệ An.

Có thể thấy rằng, sinh hoạt lễ Xăng Khan vẫn là một nhu cầu lớn của đồng bào Thái ở Nghệ An hiện nay. Vì vậy, cần được quan tâm nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc để loại bỏ những yếu tố không phù hợp với thời đại, yếu tố mê tín dị đoan; đồng thời kế thừa và phát huy được những yếu tố tích cực, tốt đẹp của lễ Xăng Khan để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhận thấy vai trò của lễ Xăng Khan trong đời sống văn hóa - tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, thời gian gần đây, một số địa phương đã và đang hình thành ý tưởng khôi phục lễ Xăng Khan. Điển hình như huyện Kỳ Sơn hiện đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch”. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là ưu tiên việc nghiên cứu khôi phục lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, trong đó có lễ Xăng Khan của đồng bào Thái. Nằm trong khuôn khổ Đề án này, từ năm 2010 đến nay, bà con dân tộc Thái ở bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn đã 2 lần tổ chức lễ Xăng Khan. Các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong hiện cũng đang triển khai sưu tầm, nghiên cứu để duy trì, phát triển lễ Xăng Khan.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Nghệ An) là 1 trong 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xuân đang về trên khắp bản mường, hòa chung với Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào dân tộc Thái lại được thăng hoa trong điệu nhảy Xăng Khan, đắm mình trong hương vị ngọt ngào của rượu cần, hòa mình vào tiếng cồng, chiêng, boong bu nhộn nhịp…

Phan Tuyết

Các tin khác