Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201801/nguoi-miet-mai-viet-su-trong-cong-an-nghe-an-774699/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201801/nguoi-miet-mai-viet-su-trong-cong-an-nghe-an-774699/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người miệt mài viết sử trong Công an Nghệ An - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 03/01/2018, 09:28 [GMT+7]

Người miệt mài viết sử trong Công an Nghệ An

(Congannghean.vn)-Tuy không được đào tạo bài bản như những nhà sử học chuyên nghiệp nhưng với chức trách, nhiệm vụ được giao và niềm đam mê, trách nhiệm, ông đã từng ngày, từng giờ lặng lẽ cống hiến, lưu giữ lại những chiến công, bài học kinh nghiệm của toàn lực lượng trong cuộc chiến bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH trên quê hương Bác Hồ vĩ đại; đồng thời, để lại không ít kinh nghiệm quý báu cho thế hệ đang thực hiện công tác biên soạn, tổng kết lịch sử trong Công an Nghệ An hôm nay.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Thượng tá Ngô Trí Sinh vẫn đọc sách, tìm hiểu luật để tham mưu, tư vấn cho đội ngũ viết sử thế hệ sau của Công an Nghệ An
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Thượng tá Ngô Trí Sinh vẫn đọc sách, tìm hiểu luật để tham mưu, tư vấn cho đội ngũ viết sử thế hệ sau của Công an Nghệ An

Nếu như việc được ngành Công an tuyển dụng là một cơ duyên thì nghiệp biên soạn, tổng kết lịch sử trong lực lượng Công an Nghệ An đã đồng hành, gắn bó với ông trong suốt hành trình đã qua của mình. Nó cũng phản ánh rõ thực tế “nghề chọn người”, câu mà chúng ta hay dành cho những người mà cái nghề họ đã, đang làm thực sự phù hợp và gắn bó như một định mệnh. Đó là điều chúng tôi cảm nhận được qua cuộc trò chuyện với Thượng tá Ngô Trí Sinh, nguyên Đội trưởng Đội Nghiên cứu Khoa học và Tổng kết Biên soạn lịch sử, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Nghệ An.

Tốt nghiệp chuyên ngành Văn, Trường ĐH Tổng hợp (Hà Nội) nhưng Thượng tá Ngô Trí Sinh lại bén duyên với nghề Công an. Năm 1987, sau quá trình công tác tại Cục A23 (nay là Cục A71), Thượng tá Sinh được phân công về công tác tại Phòng Nghiên cứu Khoa học - Tổng kết lịch sử và Pháp chế (nay là Đội Nghiên cứu Khoa học và Tổng kết Biên soạn lịch sử) của Công an Nghệ An. Tại đây, ông đã có tới 24 năm đảm nhiệm cương vị Đội trưởng Đội Nghiên cứu Khoa học và Tổng kết Biên soạn lịch sử thuộc Phòng Tham mưu Công an tỉnh cho đến khi về hưu. Tên của ông được nhiều người nhắc đến nhất khi nói về nghiệp viết sử trên quê hương Xô Viết anh hùng.

Ông kể, thời gian đầu nhận công tác, do đây là lĩnh vực tương đối mới, chưa từng được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nên dù có sức trẻ và nhiệt huyết, ông vẫn không khỏi lo lắng vì sợ không đảm đương được công việc, bởi ngôn ngữ sử hoàn toàn khác ngôn ngữ văn chương. “Nếu văn chương là ngôn ngữ hình tượng vì có thể nhân hóa, so sánh… thì sử phải dùng ngôn ngữ khoa học, chính xác, nếu không nói là khô cứng”, ông bộc bạch. Từ đấy, ông tự mày mò, nghiên cứu và cố gắng học hỏi những cán bộ đi trước. Dần dần, ông tiếp cận được công việc và khẳng định mình trong cái nghiệp tương đối mới này.

Đặc biệt hơn, càng làm, ông càng đam mê, càng bị cuốn hút vào những tư liệu, hình ảnh, thông tin từ các nhân chứng sống kể lại những giai đoạn hào hùng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an Nghệ An và ông “nghiện” nghề này từ khi nào không hay. Vì thế, ông đã từ chối nhiều cơ hội để nhận công tác ở những vị trí khác mà gắn bó với công tác tổng kết, biên soạn lịch sử trong Công an Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu. Người ta thường nói, công tác sử là “ôn cố tri tân” (nói chuyện cũ để mà hiểu thêm cái mới), vậy nên, đội ngũ viết sử không chỉ đơn thuần là tái hiện lại lịch sử bằng cách hệ thống, khái quát lại ngành mà qua đó, để có cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề ra những giải pháp phù hợp cho tương lai.

Chia sẻ khó khăn về nghề tổng kết, biên soạn lịch sử trong lực lượng Công an nói chung, trong Công an Nghệ An nói riêng trước những luồng ý kiến trái chiều, nhất là ý kiến cho rằng, khi xuất bản một số quyển sách là “đã hết việc”…, ông thẳng thắn cho biết, đó là những quan điểm sai lầm, là sự nhầm lẫn giữa công tác biên soạn lịch sử và tổng kết lịch sử. Ông cũng khẳng định, chỉ có những người trong nghề mới hiểu được khối công việc đồ sộ, nặng nề như thế nào.

Theo ông, Công an Nghệ An có đến 30 lĩnh vực, mặt công tác khác nhau nhưng cho đến nay, Đội mới chỉ tổng kết được 2 lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn những khó khăn như: Các băng đĩa, video, văn bản thất lạc, rách nát do chiến tranh, thời tiết, nhân chứng đã già yếu, trí nhớ không được minh mẫn, có những nhân chứng qua đời… đã cản trở việc thực hiện. Ngoài ra, tính đặc thù của ngành Công an là thông tin đa số bảo mật, lượng công chúng ít vì tính phổ biến không rộng rãi, trong khi các cuốn sử khi hoàn thành sẽ được lưu hành rộng rãi hoặc nếu hạn chế thì cũng chỉ áp dụng hình thức lưu hành nội bộ.

Trước yêu cầu này đòi hỏi những nhà viết sử phải có nghiệp vụ Công an để xử lý các thông tin, tư liệu có tính nghiệp vụ, đồng thời phải nhạy bén để đảm bảo các yêu cầu chính trị và nghiệp vụ ngành. Với những tố chất đó nên theo thời gian, không ít cán bộ khi về công tác Đội Nghiên cứu Khoa học và Tổng kết Biên soạn lịch sử, do không đáp ứng được đã phải đề nghị chuyển công tác ở các lĩnh vực mới.

CBCS Đội Nghiên cứu Khoa học và Tổng kết Biên soạn lịch sử hôm nay được kế thừa không ít kinh nghiệm quý báu từ Thượng tá Ngô Trí Sinh
CBCS Đội Nghiên cứu Khoa học và Tổng kết Biên soạn lịch sử hôm nay được kế thừa không ít kinh nghiệm quý báu từ Thượng tá Ngô Trí Sinh

Với kinh nghiệm của một người đi trước, trước khi chia tay chúng tôi, Thượng tá Ngô Trí Sinh không quên khẳng định lại chân lý đã theo ông suốt nghiệp viết sử của mình, rằng hãy luôn xác định bản thân Công an làm sử chứ không phải làm sử về Công an. Người làm sử là phải có quan điểm riêng, bởi vì chân lý không hẳn là theo số đông. Ông cũng không quên gửi gắm, nhắc nhở các thế hệ đang và sẽ làm công tác viết sử trong Công an Nghệ An phải đầu tư hơn nữa về mặt chuyên môn, dần vun đắp, xây dựng tinh thần nhiệt huyết, xác định viết sử là nghề, là nghiệp gắn với cuộc đời phấn đấu của mình; đồng thời, lưu ý về sự tác động của internet đối với hoạt động của nghề viết sử trong lực lượng Công an nói chung, rằng đó là con dao 2 lưỡi. Bởi, thông tin trên mạng nhiều, gây nhiễu loạn nên người viết sử phải có một nhãn quan chính trị hết sức duy lý, sâu sắc, tỉnh táo, có bản lĩnh để chọn lọc, phân tích, xử lý những thông tin lịch sử thật chính xác. Còn về phần mình, ông sẽ tiếp tục tham mưu, tư vấn cho thế hệ sau trong Đội và cộng tác với một số báo, tạp chí chuyên ngành sử, góp phần vào quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an Nghệ An.

.

Thu Thủy

.