(Congannghean.vn)-Hiện nay, nhận thấy tiết chào cờ đầu tuần chưa thật sự hấp dẫn học sinh nên nhiều trường đã chủ động làm mới kịch bản. Phần lễ vẫn được tổ chức đầy đủ trong không khí trang nghiêm nhưng ngắn gọn, súc tích, thời gian còn lại được lồng ghép với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, mang ý nghĩa giáo dục, góp phần tạo cho thầy và trò bước vào một tuần học tập, rèn luyện tràn đầy năng lượng.
Lễ chào cờ tại Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương |
Trước đây, nói về tiết chào cờ, phần lớn học sinh đều không mấy hào hứng bởi nội dung nhàm chán với cùng một kịch bản: Sau phần nghi lễ, hát quốc ca là đến phần hiệu trưởng (hoặc phó hiệu trưởng) giáo huấn học sinh, trong đó chủ yếu nhắc nhở, phê bình những tập thể lớp, cá nhân học sinh vi phạm và biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong tuần. Điều này dẫn đến việc không phát huy được tính giáo dục cho học sinh.
Theo Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”, ngành Giáo dục Nghệ An đã chỉ đạo và tích cực thực hiện bằng cách lồng ghép trong các môn học, giờ sinh hoạt, trong đó có đổi mới tiết chào cờ… Qua đó, góp phần bồi dưỡng kiến thức, phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống, tạo môi trường lành mạnh, trong sáng cho học sinh học tập tốt hơn.
Có mặt tại lễ chào cờ của Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An, phóng viên ghi nhận sự háo hức, mong chờ trên gương mặt của học sinh. Tại buổi lễ, bài hát Quốc ca được vang lên trong không khí vô cùng thiêng liêng, tự hào. Theo thầy Lô Thanh Bình, Bí thư Đoàn trường cho biết, tiết chào cờ sáng thứ 2 mỗi tuần, nhà trường đều tổ chức 4 nội dung: Thứ nhất là phần lễ (nghi thức chào cờ, hát quốc ca…); thứ hai là phần lớp trực tuần nhận xét những ưu, nhược điểm về các mảng như: Ký túc xá, tăng gia sản xuất, nề nếp… của toàn trường trong tuần vừa qua. Sau đó đến phần các lớp khác phản biện lại nếu phần nhận xét chưa đúng và bổ sung phần còn thiếu. Thứ ba, nhà trường sẽ lồng ghép các chuyên đề theo tháng, ví dụ như tháng 11 hướng đến tri ân thầy cô; tháng 12 hướng đến gương người tốt, việc tốt theo gương Bộ đội cụ Hồ…; cuối cùng là phần nhận xét, biểu dương khen thưởng, vi phạm và triển khai các hoạt động trong tuần của ban lãnh đạo nhà trường.
Các hoạt động sôi nổi khiến học sinh hào hứng, thích thú với tiết chào cờ, vừa giúp các em mạnh dạn trong giao tiếp vừa tăng cường Tiếng Việt, đồng thời giúp học sinh người dân tộc thiểu số nhanh chóng hòa nhập vào môi trường tập thể.
Tại Trường THPT Tây Hiếu, TX Thái Hòa, các tiết chào cờ lại mang một màu sắc riêng biệt. Mỗi sáng thứ 2 đầu tuần, sau phần lễ, nhà trường sẽ lồng ghép các chủ đề của hoạt động dạy kỹ năng sống và dẫn dắt học sinh cùng nhau trao đổi như: Phòng tránh mang thai sớm, tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, phòng tránh bị xâm hại tình dục… Bên cạnh đó, các em còn được trang bị kĩ năng phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước, cách xử lý các thương tích như chảy máu, bị côn trùng cắn...
“Ngày nay, học sinh rất năng động, các em có nhu cầu khám phá, tìm hiểu nhiều vấn đề trên các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, nhà trường luôn bám sát tư tưởng của các em, qua trao đổi để tổ chức thành các hoạt động, phong trào, định hướng giáo dục cho các em có một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để học tập tốt”, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu phó Trường THPT Tây Hiếu chia sẻ.