Như Báo CAND đã phản ánh lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu độc lập công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học (ĐH) Việt Nam.
Dù bảng xếp hạng được đánh giá là còn “sạn” và chỉ có ý nghĩa tham khảo nhưng qua việc xếp hạng, các trường đại học (ĐH) đều thấy được ít nhiều giá trị, tương thích với một nhóm kết quả của chính mình. Quan trọng hơn, nó hối thúc các trường phải học cách làm quen dần với văn hóa xếp hạng, vốn vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam.
Chia sẻ với PV Báo CAND, GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng: Cần phải hiểu rõ hai khái niệm phân tầng và xếp hạng giáo dục. Phân tầng là phân theo sứ mệnh, chức năng cũng như nhiệm vụ của cơ sở giáo dục. Đây là việc của Nhà nước. Còn xếp hạng là dựa vào uy tín của xã hội và nên là các tổ chức độc lập làm việc này để đảm bảo tính khách quan.
Theo Bộ GD&ĐT, việc kiểm định chất lượng sẽ là cơ sở để có dữ liệu tin cậy cho xếp hạng. (Ảnh minh họa) |
“Việt Nam cần khuyến khích việc phân tầng và xếp hạng ĐH. Tuy vậy, vấn đề đặt ra chỉ là xếp hạng theo tiêu chí nào, có được số đông chấp nhận hay không? Tôi cho rằng, chúng ta không nên có quá nhiều nhóm xếp hạng hay chỉ có 1 nhóm. Xếp hạng nào được chấp nhận sẽ tồn tại, nếu không sẽ tự bị đào thải. Đào tạo, nghiên cứu mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ xã hội. Do vậy, giữa đào tạo và nghiên cứu cần gắn bó, cần định ra tiêu chí chính xác thì việc xếp hạng sẽ chính xác. Trong đó, sản phẩm đầu ra của các trường ĐH, ở đây là tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng nên là tiêu chí để đánh giá xếp hạng, mặc dù việc làm này trên thực tế sẽ có phần hơi khó” - ông Thiệp khẳng định.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng nêu quan điểm: Dù có mong muốn thế nào thì một bảng xếp hạng không thể thỏa mãn tất cả các trường ĐH và mọi người. Mỗi bảng xếp hạng chỉ đủ khả năng để quan tâm tới một số tiêu chí, một số hoạt động của trường ĐH. Mỗi nhóm làm xếp hạng có quan điểm riêng.
Ví dụ như bảng xếp hạng của ĐH Giao thông vận tải Thượng Hải, mục tiêu của họ là quan tâm tới nghiên cứu đỉnh cao, như giải Nobel. Hay bảng xếp hạng Webometrics chỉ quan tâm xem các tài nguyên số nội sinh của trường… Đây cũng là tình trạng chung của cả thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam.
“Thành thực mà nói, đang có hiện tượng là trường nào yếu thì thường chỉ trích văn hóa xếp hạng, trường nào mạnh thì rất hào hứng. Đây một trong các nguyên nhân khiến cho việc xây dựng các bảng xếp hạng tại Việt Nam vốn đã phức tạp lại càng khó khăn hơn do phải vượt qua các phê phán trái chiều”-ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cũng cho biết, sở dĩ ĐHQGHN có vị trí khá ổn định trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế và trong nước là nhờ việc tiếp cận sớm và đã bình thản đón nhận cả các kết quả xếp hạng khá thấp những năm trước đây. Theo đó, nhà trường đã thực hiện quản trị ĐH theo quản trị mục tiêu và chỉ số xếp hạng. Thông qua các chỉ số xếp hạng để điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phát triển.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Xếp hạng các trường ĐH theo đúng ý nghĩa là cần thiết đối với hệ thống ĐH nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan tham khảo. Hiện nay không phải nước nào cũng xếp hạng ĐH, ngay cả những nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này.
“Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị thật kỹ, thận trọng, kết quả của nó phải có sức thuyết phục. Cũng chính vì thế mà trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng ĐH nhưng chỉ có một số rất ít có được uy tín và đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo. Tuy nhiên, nếu việc xếp hạng làm không thận trọng sẽ mang lại tác dụng ngược như làm ảnh hưởng đến uy tín của một số trường, làm "nhiễu thông tin xếp hạng". Thậm chí, có chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi”-bà Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, sau khi có Luật Giáo dục ĐH, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH và Bộ GD&ĐT cũng đã dự thảo xong thông tư hướng dẫn từ năm 2016.
Luật Giáo dục ĐH quy định Chính phủ ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý Nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH, còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng. Và một trong những tiêu chí để xếp hạng là kết quả kiểm định chất lượng. Công tác này hiện đang được triển khai và đang tiến triển tốt.
Các trường được kiểm định chất lượng thì cơ sở dữ liệu sẽ có độ tin cậy, được sử dụng làm một trong những cơ sở để tiến hành xếp hạng thì kết quả xếp hạng sẽ tin cậy hơn. Đó là những lý do mà việc xếp hạng chưa được triển khai trong thời gian vừa qua.
“Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ ĐH đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam”-bà Phụng cho hay.
.