(Congannghean.vn)-Đầu tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3490/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tăng cường cung cấp vốn tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS rất quan trọng, là nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn |
Tiếng Việt vừa là môn học cơ bản, vừa là môn học để học sinh tiếp thu tri thức và kỹ năng của các bộ môn khác trong chương trình giáo dục các cấp. Thực tế hiện nay, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thường dùng tiếng mẹ đẻ nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận tiếng Việt, dẫn đến việc các em tiếp thu bài giảng của thầy, cô giáo bằng ngôn ngữ tiếng Việt còn khá chậm, kéo theo sự hạn chế về phát triển năng lực tư duy, ít nhiều tạo ra bất lợi cho việc đạt đến những chuẩn mực trong mục tiêu giáo dục của từng bậc học. Chính vì vậy, việc tăng cường cung cấp vốn tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học vùng DTTS rất quan trọng, là nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.
Trước tình hình đó, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” đã tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, đảm bảo các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.
Theo đó, Đề án phấn đấu đến năm 2020, cấp học mầm non có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Đến năm 2025, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Hàng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt; 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng DTTS được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh...
Vì thế, để trẻ em người DTTS trước khi đến trường có những hiểu biết ban đầu về tiếng Việt, không ai khác, các bậc cha mẹ, anh chị em trong gia đình chính là cầu nối giúp các em học sinh có hiểu biết bước đầu về tiếng Việt.
Theo đó, để triển khai Đề án, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
Tuyên truyền, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp và học 2 buổi/ngày. Các nhà trường tích cực phối hợp với phụ huynh, già làng, trưởng bản biên tập sổ tay từ ngữ tiếng dân tộc để giúp giáo viên có tài liệu học tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Ngoài ra, Đề án cũng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người DTTS, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS; tăng cường công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế.