Văn hóa - Giáo dục
Ngậm ngùi di tích Quốc gia
14:37, 12/09/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mặc dù mới được trùng tu, nâng cấp với số tiền gần 10 tỉ đồng, song Di tích lịch sử Quốc gia đình Võ Liệt (Thanh Chương) đã có dấu hiệu xuống cấp, một phần gói thầu do thiếu vốn nên chưa thi công xong.
Đình Võ Liệt, đền Bạch Mã… là những di tích có ý nghĩa về mặt lịch sử, niềm tự hào bao đời nay không chỉ của người dân Võ Liệt, mà còn là biểu tượng về văn hóa của người dân Thanh Chương. Thế nhưng, hiện nay đình Võ Liệt vừa nâng cấp, trùng tu đã xuống cấp. Một ngày cuối tháng 8/2017, có mặt tại di tích lịch sử đã được xếp hạng Quốc gia vào năm 1988, chứng kiến sự hoang hóa, hư hại của một số hạng mục, dù mới được làm mới và sửa chữa mà không khỏi ngậm ngùi, xót xa.
Đình mới được trùng tu, song trong tình trạng “vườn không, nhà trống”, đến độ khi ông Nguyễn Thế Sửu, người ngót 40 năm nay làm bảo vệ đình Võ Liệt thắp hương tạ lễ, cũng không có nổi bàn thờ để đặt bát hương mà phải kê gạch mới có chỗ đặt bát hương. Ông Sửu cho biết, bản thân đang nhận trợ cấp 200.000 đồng mỗi tháng để làm nhiệm vụ trông coi đình, song rất buồn khi nhìn di tích hoang phế, ngày càng vắng người qua lại, ông gần như bất lực.
Khung cảnh hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm ở đình Võ Liệt |
Đình Võ Liệt được xây dựng vào năm 1859, có diện tích gần 347 m2 với kiến trúc hình chữ “khẩu” - trùng diêm độc đáo, là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của huyện Thanh Chương. Nơi đây được người dân địa phương xem như “Văn Miếu” của huyện, cũng là nơi các sĩ phu yêu nước từng đến đàm đạo như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc… Từ những năm 1930 - 1931, ngôi đình trở thành trụ sở của những người hoạt động cách mạng đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền, xã Võ Liệt lúc đấy là trung tâm của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mùa xuân năm 1986, trong dịp về thăm Thanh Chương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn đình Võ Liệt để làm nơi nói chuyện, thăm hỏi bà con. Trải qua sự thăng trầm của thời gian, ngôi đình này đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Trước tình hình đó, tháng 5/2008, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định "Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo và xây mới di tích lịch sử văn hóa đình Võ Liệt, huyện Thanh Chương", với tổng mức đầu tư 9,5 tỉ đồng, do Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư và dự án được chia thành 3 gói thầu chính. Gói thứ nhất tu bổ, tôn tạo đình chính, nghi môn, nhà bia, xây mới nhà bia ghi công cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhà bao che và chống mối mọt cho công trình; gói thứ 2 xây mới hồ sen, sân, đường nội bộ, bãi đỗ xe, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, tường rào và gói thầu thứ ba là cung cấp nội thất bên trong đình. Sau nhiều năm thi công, dự án không những chưa hoàn thành mà đã có dấu hiệu xuống cấp ở một số hạng mục vừa trùng tu. Năm 2016, mưa bão đã làm tốc hơn 10 tấm ván che ở phần nhà Trùng diêm. Ngoài ra, công trình phụ và nhà vệ sinh quy hoạch không đúng yêu cầu, hiện nay hư hỏng không sử dụng được; trước cổng sân đình bị lún sụt, đến nay chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm để sửa chữa.
Ông Phan Chính Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Võ Liệt xác nhận, tình trạng đình Võ Liệt xuống cấp là có thật. Chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản kiến nghị liên quan đến vấn đề này nhưng không nhận được hồi âm. Trong khi đó, ông Nguyễn Thái An, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Chương cho biết, công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình Võ Liệt đã hoàn thành và nghiệm thu gói thầu số 1 và 2, với số tiền đã giải ngân hơn 8 tỉ đồng. Nội thất bên trong chưa có là do gói thầu thứ 3 chưa thực hiện được vì thiếu vốn.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An cho rằng, hiện nay trên địa bàn Nghệ An có khoảng 20 trong tổng số 130 di tích, danh thắng đang bị xuống cấp do trải qua thời gian dài không trùng tu, tôn tạo. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là do thiếu vốn để thực hiện. Về những vấn đề tại đình Võ Liệt, theo bà Hạnh, đối với những hạng mục đã hoàn thành sau tôn tạo, ngành văn hóa đã giao cho chính quyền địa phương xã Võ Liệt và UBND huyện Thanh Chương quản lý, nên để xảy ra tình trạng nhếch nhác thì trách nhiệm thuộc về địa phương.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cũng đã lập đoàn công tác về kiểm tra, giao cho huyện Thanh Chương trích nguồn để sửa chữa cấp thiết. Cùng với đó, Sở cũng giao cho Ban quản lý Di tích và Danh thắng làm tờ trình trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin cấp nguồn tu bổ, bảo tồn thường xuyên và nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện công trình.
Thiện Thành