Văn hóa - Giáo dục

'Bỏ quên' tiền hỗ trợ học sinh nghèo

14:34, 07/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ học tập hàng tháng. Tuy nhiên, tại huyện Tương Dương (Nghệ An), trong nhiều năm, số tiền này đã không đến được tay của các em. Thậm chí, tiền hỗ trợ học sinh nghèo còn bị sử dụng sai mục đích.

Hàng nghìn trẻ em nghèo các huyện miền núi bị chậm trả tiền hỗ trợ
Hàng nghìn trẻ em nghèo các huyện miền núi bị chậm trả tiền hỗ trợ

Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 (Nghị định 74) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 (Nghị định 49) của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, thì học sinh thuộc diện hộ nghèo hoặc đang sinh sống ở các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp với mức 70.000 đồng/học sinh/tháng.

Từ vụ việc 5,7 tỉ đồng “bỏ quên” suốt 3 năm…

Tại kỳ họp HĐND huyện Tương Dương diễn ra từ ngày 25 - 27/7 vừa qua, nhiều cử tri và cán bộ huyện này đã ngã ngửa khi một số cử tri tại các xã Nga My, Tam Đình và Thạch Giám phản ánh việc, con em của họ từ năm học 2013 - 2014 đến nay vẫn chưa được nhận số tiền hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng theo Nghị định 49 (nay là Nghị định 74) của Chính phủ. Từ thông tin này, ngay sau đó, UBND huyện Tương Dương đã cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thì phát hiện ra, trong năm học 2013 - 2014, tổng số tiền mà ngân sách chi trả cho học sinh trên địa bàn huyện theo chương trình này là 5,7 tỉ đồng nhưng đến nay các em vẫn chưa được nhận.

Để rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Vi Văn Thắng,  Chủ tịch UBND xã Tam Đình thì được biết: Tam Đình hiện đang có 715 học sinh với hơn 451 triệu đồng ở 3 cấp học chưa được nhận chế độ hỗ trợ học tập dành cho học sinh nghèo trong năm học 2013 - 2014. Tương tự, theo Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Văn Đậu, cả 3 cấp học có 839 học sinh với số tiền được hưởng gần 500 triệu đồng hỗ trợ trong năm học 2013 - 2014 đến nay vẫn chưa được nhận. “Sự chậm trễ này gây thiệt thòi rất nhiều cho các em học sinh. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến nhưng không được giải quyết”, ông Đậu cho biết.

Theo số liệu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, từ năm 2010 đến nay, chế độ hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo hàng năm đều đã được chi trả đầy đủ, ngoại trừ năm học 2013 - 2014 với tổng kinh phí được cấp là 6,5 tỉ đồng nhưng đang còn hơn 5,644 tỉ đồng chưa thực hiện chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Tổng số học sinh chưa được nhận khoản hỗ trợ này là 9.549 em.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đây là vụ việc hết sức đáng tiếc. Ngay sau khi có phản ánh, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập đoàn để kiểm tra, xử lý và đã giao các cơ sở giáo dục phối hợp các xã để chi trả đúng, đủ, báo cáo xong trước ngày 10/9. Nguồn kinh phí được UBND huyện ứng ngân sách năm 2017 để chi trả trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, kết hợp với việc công khai xin lỗi nhân dân.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Hải là do ban đầu số tiền hỗ trợ được chuyển về cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện (theo Nghị định 49) nhưng sau đó Nghị định 74 ban hành thì số tiền này đã được chuyển về ngân sách huyện. Tuy nhiên, cán bộ huyện đã không chuyển số tiền này về Phòng Giáo dục và Đào tạo để chi trả cho các em học sinh mà sử dụng vào mục đích khác. Liên quan đến vụ việc này, hiện Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc để kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm nhằm xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

… Đến việc chậm chi trả chế độ cho học sinh nghèo

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi, vùng khó khăn đang được thực hiện trên địa bàn Nghệ An. Cụ thể, chính sách hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 60 và Nghị định 239 cho trẻ mầm non thuộc vùng biên giới, hải đảo, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật khó khăn về kinh tế, với mức hỗ trợ 120.000 đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế.

Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 dành cho các đối tượng như: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, không có người nuôi dưỡng, học sinh là con của hạ sỹ quan và chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú... Theo đánh giá, những chính sách này đã góp phần giải quyết những khó khăn của học sinh dân tộc thiểu số, học sinh miền núi; tạo điều kiện học tập, sinh hoạt thuận lợi cho học sinh. Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn thi hành chính sách ban hành chậm, việc chi trả lại được thực hiện qua nhiều cơ quan, đơn vị đã dẫn đến chậm trễ, chi trả không kịp thời.

Đơn cử, số liệu phóng viên thu thập được tại Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có hàng nghìn học sinh ở các cấp học chưa được chi trả tiền miễn giảm học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 của học kỳ 2 năm học 2015 - 2016 và học kỳ 1 năm học 2016  - 2017, với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng. Cùng với đó, tình trạng học sinh mầm non ở các huyện như Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương… bị “nợ” tiền hỗ trợ ăn trưa vào đầu các năm học cũng xảy ra nhiều tháng, với số tiền hàng tỉ đồng.

Thiên Thảo

Các tin khác