Văn hóa - Giáo dục
Giá trị thời đại về quyền dân tộc và quyền con người của Tuyên ngôn Độc lập
08:17, 02/09/2017 (GMT+7)
Quyền dân tộc và quyền con người là những giá trị lớn của nhân loại. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời tuyên bố ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tuyên ngôn đã thể hiện những giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người.
Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh cao cả những giá trị nhân văn của nhân loại. Thời gian lùi xa nhưng Tuyên ngôn Độc lập luôn giữ vững giá trị, sức sống thời đại.
Với dung lượng 1.021 từ, bản Tuyên ngôn Độc lập đã nêu bật những giá trị của văn minh nhân loại, những lẽ phải “không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.
Ảnh tư liệu |
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã phát triển và nâng lên thành quyền dân tộc phải được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Con người trong các dân tộc có được bình đẳng, tự do, hạnh phúc thì dân tộc đó mới được xem là dân tộc độc lập, tự do, hạnh phúc.
Người khẳng định chân lý: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, “đó là lẽ phải không ai chối cãi được”. Nếu quyền con người là lẽ tự nhiên thì quyền của mỗi dân tộc cũng là lẽ tự nhiên. Tất cả mọi người trong xã hội đều có quyền bình đẳng, cho nên tất cả các dân tộc cũng đều có quyền bình đẳng.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa được những quyền, những chân lý, lẽ phải “không ai chối cãi được”, các dân tộc thuộc địa phải trải qua biết bao xương máu và trường kỳ gian khổ đấu tranh mới có được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích và nhấn mạnh điều này để phản bác, tố cáo và vạch trần sự xâm lược, thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc đã chà đạp lên các quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc trên thế giới. Đây là một nội dung rất căn bản, không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa thời đại, đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Từ đó tới nay các nước trên thế giới đứng lên đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.
Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Nền độc lập mà nhân dân Việt Nam đã giành được “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường,... là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”.
Cuối cùng, bản Tuyên ngôn đã khẳng định nền độc lập của Việt Nam như là một sự hiển nhiên và nêu lên quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền độc lập tự do đó: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam đã trường kỳ kháng chiến và đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến có tiềm lực quân sự, kỹ thuật hiện đại hơn chúng ta rất nhiều lần. Chính cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã khích lệ các dân tộc thuộc địa vùng dậy phá tan hệ thống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới, dẫn đến việc Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố về trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa năm 1960.
Dù địa vị các quốc gia được Liên hợp quốc thừa nhận nhưng ngày nay, vấn đề bình đẳng giữa các quốc gia vẫn còn là thách thức lớn. Tuy nhiên, với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc không phải là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng, mà đó là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các quyền con người. Xét đến cùng, cuộc sống tự do và hạnh phúc của người dân, của mỗi cá nhân mới là đích đến của mỗi quốc gia cũng như của cả nhân loại.
Tuyên ngôn Độc lập thể hiện tầm nhìn bao quát của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời đại, thể hiện lập trường kiên định về độc lập, tự do của dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập được coi như một “thiên cổ hùng văn” của thời đại mới, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội (CHXH), góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới.
Với Tuyên ngôn Độc lập, lần đầu tiên nước Việt Nam hiện diện trên trường quốc tế với tư cách là một nước tự do, độc lập và nhân dân thế giới cũng thấy được tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Quyền dân tộc, tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc… là những vấn đề xuyên suốt thời đại. Tư tưởng này đã, đang được chúng ta kế tục, phát huy trong giai đoạn mới. Hiện nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN được đặt ra cấp bách.
Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng nước ta, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để tạo cớ can thiệp nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Trong điều kiện đó, chúng ta tiếp tục khẳng định và phát huy những giá trị thời đại trong Tuyên ngôn Độc lập, thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam mà các thế hệ cha ông đã đắp xây nên để đưa cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới.
Bảo vệ độc lập, bảo vệ quyền dân tộc ngày nay được hiểu theo nghĩa rộng, đầy đủ và toàn diện, phù hợp xu thế vận động của thời đại. Bảo vệ độc lập, bảo vệ quyền dân tộc là một nội dung trong bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.
Để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cần phải thực hiện. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Đây là mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh nước ta hiện nay.
Sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố: Chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, đối ngoại; là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND và CAND là nòng cốt.
Cùng với việc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các thiết chế độc lập nhằm tăng cường cơ chế thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” đã trở thành tên gọi của chương, thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đó.
Hiến pháp lấy các nguyên tắc về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được và duy trì kết quả đó một cách bền vững, bảo đảm thực thi quyền con người trong thực tiễn đời sống xã hội. Đó là sự lĩnh hội và phát huy nội dung cốt lõi về quyền con người đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn: Đại tá, PGS. TS Đinh Ngọc Hoa/CAND