Văn hóa - Giáo dục

Ký ức về Trường Sa của người lính già

09:36, 30/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dù đang mang trọng bệnh, song khi có người hỏi thông tin về Trường Sa, Trung tá Nguyễn Văn Biên (SN 1957) như được tiếp thêm sức mạnh, trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn hẳn. Những năm tháng ở Trường Sa đã đi qua nhưng vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người lính già. Một thời gian khổ, ở Trường Sa có những người lính đã mãi mãi không trở về…

Trong căn nhà ấm cúng tại xóm 2, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, ông Biên tâm sự: Trường Sa những ngày gian khổ đã qua, nhưng nỗi nhớ về miền đất đặc biệt thì vẫn còn nguyên vẹn. Ông vẫn thường xuyên dõi theo tin tức về Trường Sa trên báo, đài. “Mỗi người lính là một cột mốc chủ quyền, chẳng cột mốc nào bằng mốc người trên đảo”, ông Biên vẫn nhớ như in lời nói của vị lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân để bảo vệ Trường Sa.

Trung tá Nguyễn Văn Biên giới thiệu từng bức ảnh về kỷ niệm Trường Sa
Trung tá Nguyễn Văn Biên giới thiệu từng bức ảnh về kỷ niệm Trường Sa

Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo giáp biển, ước mơ trở thành người lính biển luôn nhen nhóm trong ông ngay từ khi còn là cậu học sinh trường làng. Đầu năm 1975, ông gia nhập quân đội, trở thành lính của Trung tâm Huấn luyện 126 (Trung đoàn Lính thủy đánh bộ) tại Quảng Ninh. Sau đó, cùng với nhiều đồng đội, ông xung phong vào Nam chiến đấu. Hòa bình lập lại, Bắc - Nam nối liền một dải, ông đi học tại Trường Quân chính thuộc Quân khu V (Đà Nẵng). Năm 1983, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, ông được cử ra công tác tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

19 năm công tác tại quần đảo Trường Sa, ông giữ nhiều vị trí khác nhau như: Đại đội trưởng ở đảo Trường Sa Lớn, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài, Đá Tây, An Bang... Ông nhớ lại, sau giải phóng miền Nam, thông tin liên lạc, tiếp tế ở đất liền đã khó, ở trên đảo còn khó gấp bội. Cuộc sống người lính khi ấy có rất nhiều khó khăn, lương thực thực phẩm, phương tiện liên lạc luôn thiếu thốn; cuộc sống không chỉ phải đối mặt với sự dòm ngó từ các lực lượng bên ngoài mà còn phải luôn chiến đấu với chính sự cực nhọc của biển cả. Nhưng với tinh thần của người lính cụ Hồ, cũng như các đồng chí, đồng đội, ông đã tôi luyện cho mình lòng quyết tâm sắt đá và sự can trường vượt qua khó khăn. Lúc bấy giờ, ở đảo ngoài bộ đội với bộ đội thì chỉ có chiếc ra-đi-ô ở nhà chỉ huy là chỗ giao lưu, nghe ngóng thông tin từ đất liền. Thư từ với gia đình, người thân từ đất liền phải mất vài tháng mới nhận được. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương luôn khắc khoải trong lòng những người lính.

Trong từng ấy thời gian công tác ở Trường Sa, ông vẫn nhớ nhất thời gian làm Đảo trưởng đảo Đá Tây. Đá Tây là đảo chìm, thời đó, nói là đảo nhưng thực ra chỉ là cái chòi khung thép. Cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ theo con nước thủy triều lên xuống; thủy triều dâng thì leo lên, hạ thì tụt xuống. Ngoài canh giữ, bảo vệ đảo, công việc hàng ngày của bộ đội là lặn biển, gom san hô vun đắp đảo và giữ chòi.

Khi được hỏi về ngày 14/3/1988 - xảy ra sự kiện Trung Quốc bất chấp luật pháp Quốc tế, ngang nhiên chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, đôi mắt người lính già rực sáng. Thời điểm này, Trung tá Nguyễn Văn Biên đang là Đảo trưởng đảo Đá Tây, ông và đồng đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn ý thức và xác định rằng, nếu địch vào, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đảo, bảo vệ từng cột mốc chủ quyền của Tổ quốc.

Được biết, xã Phúc Thọ còn được ví là “Làng Trường Sa”, bởi nơi đây có khoảng 170 nam thanh niên đã và đang công tác trong lực lượng hải quân, chủ yếu là ở quần đảo Trường Sa. “Trở thành truyền thống, nhiều thanh niên làng từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau đi lính biển. Đó là niềm tự hào của người dân xã Phúc Thọ”, ông Hoàng Ngọc Luân, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Phúc Thọ cho biết.

Thu Thủy

Các tin khác