Văn hóa - Giáo dục

Điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp kỷ lục: Vì đâu nên nỗi?

17:22, 11/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp chất lượng giáo dục. Một trong những nhân tố tác động tới quá trình đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai chính là chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn diễn ra thời gian qua, nhất là trong kỳ tuyển sinh năm nay là nhiều học sinh có học lực khá, giỏi không lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm. Điểm chuẩn xét tuyển thấp, kéo theo chất lượng đầu vào bị giảm sút. Đây là thực trạng đáng lo ngại, nhất là khi ngành giáo dục đang trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện, trước mắt là chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký nhập học trong đợt xét tuyển ĐH đợt 1 - Ảnh: Huyền Thương
Thí sinh làm thủ tục đăng ký nhập học trong đợt xét tuyển ĐH đợt 1 - Ảnh: Huyền Thương

Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn xét tuyển mùa tuyển sinh năm 2017. Nhìn vào điểm chuẩn đầu vào của các trường dễ nhận thấy, có sự phân hóa khá rõ về mức độ thu hút người học. Điều này thể hiện rõ ở độ vênh mức điểm chuẩn giữa các trường từ 5 - 7 điểm, thậm chí là từ 10 - 12 điểm. Hầu hết các trường tốp đầu như: Công an, quân đội, y, dược đều có mức điểm chuẩn cao chót vót. Thậm chí, có thí sinh đạt 29 điểm vẫn không trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội, 30 điểm vẫn không đậu vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân.

Ngược lại với xu hướng tăng điểm chuẩn các trường tốp trên, nhiều trường ĐH đào tạo ngành sư phạm chỉ lấy điểm trúng tuyển bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với mức điểm sàn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Chẳng hạn, ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) lấy điểm chuẩn đầu vào 4 ngành sư phạm (Mầm non, Tiểu học, Toán, Sinh) là 15,5 điểm; ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), 10/10 ngành sư phạm cũng lấy điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia là 15,5.

Không chỉ ở các trường địa phương, những trường vùng miền, từng có “thương hiệu” đào tạo sinh viên sư phạm như Trường ĐH Vinh, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm tự nhiên (gồm Toán, Lý, Hóa, Tin) và sư phạm xã hội (Văn, Sử, Địa, Chính trị, Quốc phòng an ninh) cũng chỉ ở mức điểm sàn 15,5. Nhiều mã ngành sư phạm ở các trường ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng cùng chung cảnh ngộ tương tự. Điểm chuẩn gần sát với mức điểm sàn đồng nghĩa với chất lượng đầu vào nhiều trường sư phạm chỉ ở mức thấp khiến cho nhiều người không khỏi lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.

Những năm vừa qua, các khoa, ngành sư phạm được phép không thu học phí đối với sinh viên. Nhưng dường như chính sách ưu đãi này chỉ còn sức hấp dẫn với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà không còn đủ “lực” để “níu kéo” những sinh viên có học lực loại giỏi thi vào ngành sư phạm. Phải chăng, bên cạnh chế độ lương bổng chưa hấp dẫn thì việc khó xin việc làm, dễ rơi vào cảnh thất nghiệp là một trong những lý do để ngành sư phạm không có sức hút với những học sinh có học lực khá, giỏi?

Có một thực tế là trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng “bão hòa” về nhu cầu tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng, thành phố, thị xã, thị trấn, những nơi có điều kiện thuận lợi. Có thể kể ra đây một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Số giáo viên về hưu ở các đơn vị trường học hàng năm đang giảm dần do đội ngũ giáo viên ở các trường hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa; quy mô trường lớp đang có xu hướng thu hẹp lại (nhất là ở bậc tiểu học và THCS, trong thời gian qua, do số lượng lớp học quá ít, ở một số địa phương đã phải tiến hành sáp nhập các trường lại với nhau).

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường có tâm lý muốn được công tác ở vùng đồng bằng, miền xuôi, trường gần nhà... cũng góp phần gây ra tình trạng: Nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa cứ thừa. Nguyên nhân chính vẫn là số lượng sinh viên ra trường hàng năm vượt quá nhu cầu thực tế. Tình trạng dôi dư giáo viên xảy ra nhiều nhất ở bậc Tiểu học và THCS với con số lên tới hàng nghìn người. Đó là chưa kể tới hàng trăm giáo viên khác trong diện hợp đồng đã phải tự giải nghệ, tìm công việc khác để kiếm sống.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn tới sự dư thừa này là do số lượng học sinh các cấp giảm mạnh dẫn tới quy mô mạng lưới trường lớp thu hẹp trong những năm qua. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên “nhỏ giọt” trong khi nguồn cung lại khá dồi dào. Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nhiều sinh viên sư phạm đang trong tình trạng “khóc dở, mếu dở” bởi không thể tìm được một chỗ làm thích hợp. Trong số đó không ngoại trừ cả những sinh viên có học lực loại giỏi.

Trong thời gian qua, công tác quy hoạch nhân lực ngành sư phạm chưa được thực hiện một cách đồng bộ, triệt để, có hiệu quả. Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm hàng năm vẫn ở mức cao, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế. Một số ngành đào tạo với số lượng lớn sinh viên nhưng khi ra trường có rất ít trong số đó được tuyển dụng.

Để khắc phục sự “lệch pha” giữa cung và cầu nhân lực ngành sư phạm, nên chăng, bên cạnh sự tích cực, nỗ lực, chủ động trong học tập, tìm việc của sinh viên, các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm cần có trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên, làm “cầu nối” giữa sinh viên và các cơ sở giáo dục có nhu cầu tuyển dụng. Tránh tình trạng đào tạo xong thì “bỏ rơi” để sinh viên tự “bơi” một mình.

Vấn đề quan trọng hơn cả là, cần tiến hành quy hoạch lại một cách cẩn trọng và nghiêm túc nhu cầu nhân lực đội ngũ giáo viên của từng địa phương, vùng, miền. Bộ GD&ĐT dựa vào dữ liệu thống kê này như là một căn cứ quan trọng để xét duyệt, giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm hàng năm cho các trường đại học, cao đẳng. Nghĩa là, các trường đại học, cao đẳng phải có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm trên cơ sở “đơn đặt hàng” từ nhu cầu thực tế của xã hội.

Bùi Minh Tuấn

Các tin khác