Văn hóa - Giáo dục
9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cho năm học mới
09:40, 11/08/2017 (GMT+7)
Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành giáo dục với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản với những nội dung cụ thể.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. |
Theo đó, phương hướng chung được nêu ra là: Tăng cường nề nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo. Quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Trong các nhiệm vụ chủ yếu của năm học tới, phải kể đến những nội dung quan trọng như: Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp cần theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất. Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học.
Bộ GD&ĐT cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ; phối hợp với các trường sư phạm có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Trong năm học này, Bộ GD&ĐT cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” (sửa đổi “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”).
Bên cạnh đó, Bộ sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Áp dụng mạnh mẽ phương pháp học trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning) để tạo thuận lợi cho nhiều người học tập, nâng cao chất lượng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ năm học tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện tự chủ cần lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện theo quy định để thực hiện tự chủ đại học trong thời gian tới. Công khai thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng, các hoạt động cơ bản của nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm và các thông tin khác theo quy định để người học lựa chọn và các bên liên quan cùng giám sát.
Nguồn: Phương Liên/Chinhphu.vn