Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201706/bac-ho-voi-que-huong-nghe-an-743028/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201706/bac-ho-voi-que-huong-nghe-an-743028/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bác Hồ với quê hương Nghệ An - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:37 [GMT+7]

Bác Hồ với quê hương Nghệ An

(Congannghean.vn)-Quê hương Nghệ An có vinh dự là nơi sinh ra nhiều nhà yêu nước và hoạt động cách mạng nổi tiếng, nhiều danh nhân văn hóa, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con ưu tú tiêu biểu nhất. "Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ". (Điếu văn Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam).

Hình ảnh Bác Hồ về thăm quê được tái hiện trong chương trình nghệ thuật “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác về thăm quê
Hình ảnh Bác Hồ về thăm quê được tái hiện trong chương trình nghệ thuật “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác về thăm quê

Như chúng ta đã biết, gia đình Bác Hồ là gia đình trí thức nghèo, nguồn gốc nông dân lao động. Từ cụ Nguyễn Sinh Nhậm, cụ Hà Thị Hy (ông nội, bà nội), cụ Hoàng Đường, cụ Nguyễn Thị Kép (ông ngoại, bà ngoại) đến ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và các con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành đều là những người lao động. Những thành viên đó đã sống và đã hiểu một cách sâu sắc nỗi cực khổ, vất vả của nhân dân lao động.

Những thành viên trong gia đình Bác Hồ là những người hiếu học, say sưa tìm tòi và hiểu biết, lại sớm tiếp thu được những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của quê hương. Và người thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận được sự quan tâm dạy bảo, giáo dục của ông bà, cha mẹ, những thầy giáo, đều là những người có tâm huyết, yêu nước thương dân, mong muốn con cháu mình, học trò mình sớm trở thành người có ích cho dân, cho nước.

Bác Hồ rất khâm phục tinh thần yêu nước thương nòi của các bậc cha anh, nhưng Bác đã đổi mới sự lựa chọn trong việc tìm đường cứu nước. Người đi sang phương Tây, tìm hiểu cuộc cách mạng tư sản, nơi đề xướng những tư tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" để xem cách người ta làm rồi trở về giúp đồng bào trong sự nghiệp giải phóng. Con đường Bác chọn không giống với con đường đi về phía Đông của nhiều nhà yêu nước khác.

Sự ra đi tìm đường cứu nước của Bác là sự ra đi tìm kiếm những giá trị văn hóa mới để cứu dân, cứu nước, có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, lại vừa giữ được bản sắc dân tộc. Tư tưởng văn hóa lớn của Bác là tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

Là một nhà yêu nước vĩ đại, một người học trò trung thành của Các Mác và Lê Nin, Bác Hồ đã nêu cao tinh thần triệt để chống chủ nghĩa đế quốc, đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người. Bác thể hiện sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng cách mạng của thời đại, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Ở Bác, tỏa sáng một tình thương sâu nặng và bao la: Thương dân, thương nước, thương nhà, thương quê, thương đồng chí, đồng bào trong nước và quốc tế. Tình thương ấy là sức mạnh tinh thần vô giá, là cơ sở của những nghị lực phi thường cho một cuộc đời đấu tranh oanh liệt.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân xã Nam Liên (nay là Kim Liên), Nam Đàn, Nghệ An
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân xã Nam Liên (nay là Kim Liên), Nam Đàn, Nghệ An

Mặc dù đi xa quê hương mấy mươi năm, đi khắp thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, hiểu biết nhiều nền văn hóa các dân tộc trên thế giới, nhưng ở Bác Hồ của chúng ta luôn in đậm những phẩm chất của vùng quê xứ Nghệ. Bác đã vượt lên các lễ giáo, những hạn chế đối với con người Nghệ An. Bác đã giữ gìn và phát huy những gì tốt đẹp trong bản chất con người quê hương. Tình cảm của Bác Hồ đối với quê hương thật là sâu nặng.

Ba mươi năm xa Tổ quốc, Bác đã theo sát phong trào cách mạng trong nước, trong tỉnh. Các cảnh áp bức bóc lột dã man của đế quốc Pháp đối với dân "bản xứ" mà Bác đã từng chứng kiến ngay trên mảnh đất quê hương thời còn trẻ đã được Bác tố cáo trong các báo: Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân, trong tác phẩm "Bản án chế độ Thực dân Pháp". Đọc lại bài "Nghệ Tĩnh đỏ" mà Bác viết ngày 19/12/1931 gửi Đông phương bộ của Quốc tế cộng sản, chúng ta thấy Bác hiểu sâu sắc về đất nước, con người và phong trào đấu tranh ở Nghệ An. "Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, nông giang chẳng có, ở đây thường xảy ra lụt bão. Do đó nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở, sưu thuế nặng nề và nạn áp bức chính trị làm cho cảnh ngộ của họ càng cực hơn”.

Nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905 - 1925), Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình.

Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Ảnh tư liệu
Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Ảnh tư liệu

Từ những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, Nghệ Tĩnh là nơi có nhiều thanh niên xuất dương sang Thái Lan, Trung Hoa. Những thanh niên này được gặp Bác và được Bác đào tạo trở thành những cán bộ cốt cán, đem chủ nghĩa Mác - Lê Nin truyền bá vào trong nước, xây dựng Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng. Vinh cùng với Hà Nội và Sài Gòn là những địa bàn xung yếu và quan trọng của ba miền đất nước được Bác phái những cán bộ đã được huấn luyện về xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở Đảng.

Bác đã chuyển hóa những tổ chức và những người cách mạng theo khuynh hướng quốc gia sang khuynh hướng Mác xít và chuyển thành tổ chức cộng sản và người cộng sản. Những hạt giống do Bác gieo mầm đã trở thành những hạt nhân, những ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh và cả nước. Bác thường xuyên theo dõi phong trào cách mạng trong nước và trong tỉnh, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót, đảm bảo đi đúng đường lối quốc tế cộng sản và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Từ khi về nước, mặc dù bận nhiều công việc, ngay cả những lúc bị đau yếu, Bác vẫn quan tâm đến phong trào cách mạng tỉnh nhà. Khi thì "Lấy danh nghĩa một người đồng chí già" để san sẻ kinh nghiệm, khi thì lấy danh nghĩa Chủ tịch nước để thăm hỏi tình hình địa phương. Bác vui lòng khi thấy phong trào cách mạng của tỉnh nhà có tiến bộ và kịp thời khen thưởng những địa phương và đơn vị có thành tích xuất sắc. Nhưng Bác cũng rất nghiêm khắc phê bình và ân cần dạy bảo khi chúng ta phạm khuyết điểm.

Bác thường xuyên gửi thư thăm hỏi, nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đoàn kết, thương yêu, động viên nhau, hăng hái tham gia vào công cuộc "kháng chiến, kiến quốc" để xứng đáng với truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Trong hai lần về thăm quê nhà, Bác đã trực tiếp thăm hỏi, động viên, khuyên bảo Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà hết sức ân cần và thắm thiết.

Ngày 14/6/1957, trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, Bác nói: "Tôi là một người con trong tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương, hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà có thể nói là: Quê hương nghĩa nặng tình cao, năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!".

Trước khi qua đời, ngày 21/7/1969, Bác còn gửi thư cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, căn dặn những điều mà Bác hằng quan tâm. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất. Đây là bức thư cuối cùng như là bản di chúc thiêng liêng của Bác đối với quê hương.

Bác Hồ tại làng Sen
Bác Hồ tại làng Sen

Thấm nhuần lời Bác dạy, Đảng bộ Nghệ An đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên “phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành với nhân dân”.

Thực hiện lời Bác dạy, chúng ta tiếp tục đổi mới tổ chức và cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, hiệu quả công tác, đảm bảo tính khoa học của tổ chức, đảm bảo tính liên tục và tính kế thừa trong công tác cán bộ. Chú trọng nhiều hơn nữa trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc. Sử dụng và phát huy năng lực của những cán bộ đã từng trải, có kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và xã hội, vững vàng về chính trị, có kiến thức về khoa học và kỹ thuật.

Vinh dự là quê hương sinh ra và lớn lên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào và đồng chí trong tỉnh kỷ niệm 60 năm ngày Người về thăm quê lần thứ nhất (14/6/1957 - 14/6/2017) và hướng về kỷ niệm 48 năm ngày Bác đi xa (2/9/1969 - 2/9/2017), với lòng nhớ thương và biết ơn vô hạn. Dẫu rằng chúng ta không được gặp Bác về thăm quê một lần nữa nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bác vẫn sống mãi với non sông đất nước, với quê hương xứ Nghệ “nghĩa trọng tình cao”.

Bác Hồ với trẻ em tại thành phố Vinh trong dịp về thăm quê

Bác Hồ với trẻ em tại thành phố Vinh trong dịp về thăm quê

Kỷ niệm 60 năm ngày Người về thăm quê, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng của Bác đã chọn, quyết tâm vươn lên về tầm nhìn và năng lực hành động trong bước đổi mới. Thực hiện lời căn dặn của Bác "xây dựng Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu".
Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Ảnh tư liệu
Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Ảnh tư liệu

 

.

Nguyễn Bá Hòe (Nguyên Giám đốc Khu di tích Kim Liên)

.