Văn hóa - Giáo dục
Thiếu triết lý giáo dục như thể thiếu bộ định vị khi đi đường
Những năm gần đây, giáo dục và đào tạo tại Việt Nam luôn được xem là “có vấn đề” và phải nỗ lực đổi mới. Năm 2017, một dự án 80 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới để cải cách giáo dục phổ thông đang được khởi động, tập trung vào chương trình và sách giáo khoa.
Trong khi chương trình và sách giáo khoa đang trong giai đoạn thai nghén để thành hình thì mới đây, tư lệnh của ngành Giáo dục Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới sẽ tiến hành thí điểm có lộ trình việc bỏ biên chế trong ngành Giáo dục để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Cải cách, đổi mới âu cũng là xu hướng tất yếu. Song đối với lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng như giáo dục, sự thay đổi liên tục sẽ khiến nhiều người lo lắng, bất an, nhất là khi những cuộc cải cách trong giáo dục gần đây chưa đem lại thành công như kỳ vọng.
Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ đối thoại thẳng thắn với ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Ông Đào Tuấn Đạt. |
PV: Sau nhiều lần cải cách, bên cạnh những thành tựu, giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều điều bất ổn khiến xã hội chưa thể yên tâm. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến những cải cách trong giáo dục của chúng ta chưa thành công như kỳ vọng?
Ông Đào Tuấn Đạt: Nền giáo dục của chúng ta đã tiến hành nhiều đợt cải cách. Và phản xạ tự nhiên của lối suy nghĩ “thiếu và yếu” là đòi hỏi nguồn lực đầu tư. Vài chục nghìn tỷ, vài nghìn tỷ là những đòi hỏi được đưa ra trước mỗi lần cải cách - như thể tiền bạc là tiền đề của giáo dục vậy. Trong khi tại một số quốc gia, họ cải cách giáo dục thành công thì tiền đề của giáo dục phải là triết lý giáo dục. Không có triết lý mà chỉ bàn đến việc đầu tiên và xuyên suốt là tiền thì ắt sẽ thất bại.
Thực tế thất bại của một vài dự án đổi mới như đề án ngoại ngữ 2020, dự án trường học mới VNEN tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đã minh chứng cho điều này.
Cải cách không có tư tưởng và nguyên lý mà chỉ là những cải tiến vụn vặt; các đề án cải cách không dựa trên các thành tựu nghiên cứu khoa học (mặc dù chúng ta có đầy đủ các viện nghiên cứu) và thực tiễn giáo dục nên không khả thi. Thay vì luận giải một cách khoa học và thuyết phục, đề án được đem ra “chia sẻ trách nhiệm” bằng cách tổ chức những cuộc lấy ý kiến đóng góp của toàn xã hội. Và tệ hại hơn là thất bại sẽ được đổ lỗi cho cơ sở vật chất và trình độ giáo viên.
PV: Để giải quyết những bất ổn, ngành giáo dục đang thiết kế lại chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Với kinh nghiệm của người trong nghề, ông đánh giá như thế nào về dự thảo chương trình mới?
Ông Đào Tuấn Đạt: Dự thảo mới nhưng không có gì mới. Triết lý không được đề cập, tư tưởng của đổi mới là gì không có, tiêu chuẩn của chương trình là gì cũng không, giải pháp mờ nhạt và thiếu thuyết phục. Bất cập không phải do giáo viên hay cơ sở vật chất mà ở chỗ nhận thức sai về bản chất, mục đích, nhiệm vụ của giáo dục. Dẫn tới định hướng sai về chương trình, sách giáo khoa và thi cử đánh giá. Nhiều người vẫn nói là chương trình hiện nay mang nặng tính hàn lâm.
Thực ra không phải. Hàn lâm là một “khái niệm sang trọng” mà sách giáo khoa của chúng ta còn lâu mới đạt được. Cái mà chúng ta đang làm là đem kiến thức và hiểu biết của người lớn nhồi sọ học sinh khiến cho nội dung sách giáo khoa mang đầy màu sắc chủ quan, lý thuyết, giáo điều và phi thực tế.
Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể 2017 vẫn không có triết lý giáo dục. Mà thiếu triết lý chẳng khác gì thiếu bộ định vị của người đi đường. Thế nên lúc rẽ phải, lúc lại rẽ trái. Nếu bị vấp ngã thì không biết đứng dậy bằng cách nào. Giống như việc hôm nay thêm môn này, mai lại bớt môn kia. Sách giáo khoa mới sẽ là sự đổi tên, sắp xếp lại và sửa chữa phiên bản cũ.
Ngoài ra, dự thảo được xây dựng theo cách là người lớn chọn lựa kiến thức được cho là phổ thông rồi sắp xếp chúng thành các môn học không khác gì tổ chức kiến thức theo kiểu một siêu thị. Và số kiến thức chủ quan này sẽ lại được đem nhồi sọ học trò. Hệ quả là việc dạy và học có thể sẽ lại như cũ.
PV: Vậy theo ông, chương trình mới cần triết lý nào?
Ông Đào Tuấn Đạt: Nền giáo dục không có thay đổi nội dung và phương pháp mà chỉ loanh quanh với thay đổi thi cử chỉ đem lại bất an cho học sinh, gia đình học sinh và cả các thầy cô giáo. Đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng có một phần do giáo dục đạo đức trong nhà trường bị xem nhẹ. Mà không chỉ đạo đức, các giá trị khác mang tính phổ quát của con người cũng không được hình thành trong nhà trường. Thế nên triết lý đầu tiên phải là một nền giáo dục nhân bản.
Triết lý thứ hai là tính dân tộc. Cần phải định vị, xác nhận được một giá trị riêng của dân tộc mình trên thế giới như thế nào để từ đó có đóng góp tạo ra những giá trị chung của nhân loại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, để hội nhập với thế giới và thay đổi nền giáo dục lạc hậu hiện nay không còn con đường nào khác là xác định triết lý hiện đại. Tóm lại theo tôi, triết lý ngắn gọn nên là nhân bản, dân tộc và hiện đại.
PV: Theo ông, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung, chương trình mới nói riêng, cần ưu tiên các yếu tố nào: Cải thiện môi trường làm việc để giáo viên phát huy hết khả năng sáng tạo; tăng lương và chế độ đãi ngộ để giáo viên giỏi có thể yên tâm sống được bằng nghề hay xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục để giáo viên có động lực hơn mà phấn đấu?
Ông Đào Tuấn Đạt: Vấn đề của giáo dục hiện nay là đụng vào đâu cũng có vấn đề. Nhưng chắc chắn mấu chốt không phải là giáo viên mà là chính sách giáo dục, quản lý giáo dục và nền hành chính giáo dục.
PV: Nhiều giáo viên than phiền rằng, môi trường làm việc hiện nay đang có nhiều bất ổn, thậm chí mất dân chủ khiến giáo viên chưa có điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Đào Tuấn Đạt: Đúng là môi trường làm việc của giáo viên hiện nay đang có vấn đề. Thời lượng môn học ít, sách giáo khoa và nội dung chương trình thì nhiều, giáo viên dạy trên lớp biết học sinh không hiểu nhưng vẫn phải dạy hết chương trình vì sợ bị phê bình là cắt xén chương trình.
Điều này cho thấy, giáo viên-vốn được mệnh danh là những “kỹ sư tâm hồn” đang phải làm việc thụ động, máy móc như những công nhân. Rồi việc bị áp các chỉ tiêu về thành tích của trường, của lớp, của học sinh trong khi sỹ số lớp học quá đông đã dẫn đến tình trạng muốn hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên buộc phải đối phó bằng cách làm các báo cáo thành tích dối, làm văn mẫu, “bơm” trước đề tài cho học sinh.
Ngoài ra, các loại sổ sách, giấy tờ nhiều khủng khiếp, tham gia các cuộc thi chẳng mấy bổ ích từ văn hóa đến văn nghệ, sáng kiến kinh nghiệm, thậm chí là công việc của địa phương cũng đang lấy hết thời gian và tâm sức của giáo viên. Đó là chưa kể đến sự mất dân chủ trong môi trường giáo dục cũng đang khiến giáo viên phải chịu nhiều áp lực, ức chế khác. Họ ngày càng “thấp cổ, bé họng” và không dám nói lên tiếng nói của mình vì sợ bị “trừng phạt” đủ thứ.
PV: Với thực tế môi trường giáo dục đang được xem là thiếu dân chủ như hiện nay, liệu việc bỏ biên chế giáo viên có làm cho dân chủ trong trường học được cải thiện hơn không?
Ông Đào Tuấn Đạt: Bỏ biên chế trước hết phải xác định được chủ thể của nhà trường là ai. Hãy bắt đầu từ “ông chủ” này trước khi nói tới người lao động là giáo viên. Tôi vẫn nghe nói chuyện mất tiền để vào biên chế. Nay “ông chủ” lại có quyền thải loại thì phải có cái phanh để chống lạm quyền. Làm được chuyện đó rồi mới tính đến việc thải loại người khác.
PV: Vậy việc đặt vấn đề bỏ biên chế trong ngành giáo dục hiện nay có phải là thời điểm phù hợp không, thưa ông?
Ông Đào Tuấn Đạt: Không phải ngành giáo dục mà các ngành khác cũng thế. Chuyện này nên bắt đầu từ lâu rồi. Và nên là bộ phận hành chính ở tất cả các ngành chứ không riêng gì ngành giáo dục. Giữa lúc nền giáo dục đầy bất an như hiện nay mà bắt đầu ở ngành giáo dục trước là không thích hợp. Có một cái gì đó bất nhẫn và thiếu công bằng ở đây.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Báo CAND