(Congannghean.vn)-Nằm trong lòng dãy núi đá vôi lèn Vũ Kỳ giáp ranh giữa 2 xã Đồng Thành và Phúc Thành (Yên Thành), quần thể chùa Thiên Tạo có niên đại hàng trăm năm tuổi đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo du khách thập phương lâu nay. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của địa phương trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, quần thể chùa Thiên Tạo cũng như danh lam thắng cảnh nơi đây hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ”?!
Lèn Vũ Kỳ có nguy cơ bị “xóa sổ” |
Người dân kêu cứu
Nằm cách thị trấn Yên Thành về phía Tây Bắc khoảng 5 km, quần thể dãy núi đá vôi lèn Vũ Kỳ nhìn xa như một dải cờ bay vững chãi xung quanh bao bọc bởi đồng lúa xanh. Người dân ở đây cho biết, do lèn Vũ Kỳ được kiến tạo trên vùng đất cổ nên đã trở thành nơi ghi dấu tích của nhiều thế hệ ông cha đi trước. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, lèn Vũ Kỳ là nơi cất giấu vũ khí, quân lương của quân và dân địa phương.
Theo sử sách ghi lại, lèn Vũ Kỳ còn là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Thành cách đây gần 1 thế kỷ. Bên trong dãy núi lèn Vũ Kỳ còn có cấu trúc hang đá hình chóp nón cao 24 m, rộng hơn 13 m là nơi toạ lạc của ngôi chùa Thiên Tạo được người dân kiến tạo, xây dựng từ thời nhà Nguyễn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Đến thời điểm hiện nay, dãy núi này chỉ còn lại 4 ngọn với tổng diện tích hơn 54 nghìn m2, độ cao của mỗi ngọn núi khoảng 80 m trở xuống. Bên trong ngôi chùa Thiên Tạo là những vách đá tự nhiên óng ánh, giữa chùa có 1 “giếng ngọc”, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương từ bao đời nay. Đặc biệt, vào ngày 14, 15 Âm lịch hàng tháng, người dân và phật tử thập phương lại vào đây để lễ Phật, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Lèn Vũ Kỳ lâu nay được xem như một quần thể danh lam thắng cảnh gắn với nhiều dấu tích lịch sử để lại cho mai sau. Thế nhưng, quần thể này hiện nay đang bị đe doạ bởi bàn tay của con người do quá trình khai thác đá làm vật liệu xây dựng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2002 - 2003, lèn Vũ Kỳ đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá cho Công ty TNHH Vũ Kỳ. Đến năm 2011, do quá trình khai thác đá ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể chùa Thiên Tạo nên việc khai thác đã được các cấp, ngành có văn bản đình chỉ. Tiếp đến, vào năm 2013, UBND tỉnh có Công văn số 9377 ngày 28/12/2013 về việc quản lý hoạt động khoáng sản tại lèn Vũ Kỳ, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo chủ trương không cấp lại giấy phép khai thác đá xây dựng tại lèn Vũ Kỳ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến ngày 17/4/2015, Công ty TNHH Vũ Kỳ lại được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy phép số 1492, khai thác đá tại lèn Vũ Kỳ với quy mô phê duyệt là 2,96 ha, thời hạn đến năm 2031?!.
Điều đáng nói là sau khi biết được thông tin này, hàng trăm hộ dân ở 2 xã Đồng Thành và Phúc Thành đã kịch liệt phản đối và có đơn cầu cứu, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xem xét. Lý do người dân ở đây cho rằng, lèn Vũ Kỳ là một quần thể danh lam, thắng cảnh và nơi quy tập, chôn cất gần 1.500 ngôi mộ của 5 xóm từ nhiều đời nay. Nếu Vũ Kỳ tiếp tục bị khai thác, “băm nát” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Chùa Thiên Tạo nằm phía trong dãy núi lèn Vũ Kỳ |
Cần trả lại nguyên trạng cho lèn Vũ Kỳ
Sau nhiều lần người dân kiến nghị về việc cần chấm dứt tình trạng khai thác đá ở khu vực lèn Vũ Kỳ tại nhiều cuộc họp, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc “tạm dừng thực hiện các nội dung của Giấy phép số 1492 ngày 17/4/2015”. Kể từ đó đến nay, người dân 2 xã Đồng Thành và Phúc Thành vô cùng phấn khởi vì nguyện vọng chính đáng của mình đã được các cấp, ngành quan tâm, xem xét và xử lý kịp thời.
Điều quan trọng là sau khi có văn bản của UBND tỉnh về việc tạm dừng cho Công ty TNHH Vũ Kỳ vào khai thác đá ở lèn Vũ Kỳ thì quần thể chùa Thiên Tạo cũng như cảnh quan ở đây tiếp tục được giữ nguyên trạng. Gần 1.500 ngôi mộ của 5 xóm thuộc 36 dòng tộc ở xã Đồng Thành được quy tập, chôn cất tại nghĩa trang Đá Sĩa ngay chân dãy núi lèn Vũ Kỳ đã được “mồ yên mả đẹp”. Người dân địa phương sinh sống xung quanh khu vực lèn Vũ Kỳ cũng yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, sau 2 năm lèn Vũ Kỳ được yên ổn thì đến thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, chẳng hiểu vì sao Giấy phép số 1492 nói trên lại được “khởi động trở lại”. Đó là việc các cơ quan chức năng lại tiếp tục tham mưu, trình cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Vũ Kỳ?
Cụ thể, tại cuộc họp ngày 13/3/2017, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã có ý kiến phát biểu đồng ý cho Công ty TNHH Vũ Kỳ tiếp tục khai thác đá tại khu vực lèn Vũ Kỳ kèm theo một số đề xuất, kiến nghị. Mặc dù trước đó, vào tháng 12/2014, UBND huyện Yên Thành đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành với nội dung: Lèn Vũ Kỳ là một quần thể di tích, danh thắng có nhiều hang động lớn, nhỏ thông nhau, trong đó có hang lớn phía Đông Nam được nhân dân cho là linh thiêng nên thường đến thắp hương lễ Phật…?!
“Người dân chúng tôi bức xúc trước việc các cấp, ngành lại có chủ trương giải quyết cho Công ty TNHH Vũ Kỳ tiếp tục được vào khai thác đá tại lèn Vũ Kỳ. Chẳng hiểu vì sao, sau 2 năm UBND tỉnh đã có văn bản tạm dừng việc cấp phép cho doanh nghiệp này vào khai thác đá ở đây thì bây giờ lại tiếp tục thực hiện. Quần thể lèn Vũ Kỳ là một danh lam thắng cảnh, nơi ghi dấu tích của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương nên chủ trương cho doanh nghiệp vào san phẳng lèn khiến chúng tôi rất bất bình”, ông Trịnh Văn Sơn, người dân xã Đồng Thành cho biết.
Trước những vấn đề liên quan đến việc khai thác đá tại lèn Vũ Kỳ, các cấp, ngành cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành nhiều văn bản để xem xét. Tại Thông báo số 156/TB-UBND ngày 27/3/2017, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vũ Kỳ theo quy định. “Trường hợp còn có vướng mắc thì có văn bản báo cáo, xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương trước khi trình UBND tỉnh” - Thông báo số 156/TB-UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ.
Chính vì vậy, trước khi có chủ trương chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp tục vào khai thác đá tại lèn Vũ Kỳ, các cấp, ngành cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. Đặc biệt, việc đánh đổi các giá trị phát triển kinh tế để san phẳng, xoá đi một quần thể danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử thì liệu có nên không?!