(Congannghean.vn)-Kết luận tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều chuyển biến phù hợp với văn hóa truyền thống nhưng một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội, còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý lễ hội.
Rất đông người dân đến xin thẻ ấn tại đền Quang Trung vào ngày mồng 5 Tết Nguyên đán |
Kiên quyết nghiêm cấm lễ hội chọi trâu, chém trâu
Ngay sau khi Bộ VH-TT&DL chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh hoạt động lễ hội, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành Công văn số 1044 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, khẩn trương chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; các lễ hội có tính thương mại… So với các năm trước, năm nay ngoài 25 lễ hội chính, Nghệ An có thêm 3 lễ hội mới được cấp phép đó là lễ hội đền Tam Tòa (Nghi Lộc), Phúc Lục ngoạt (Cửa Lò) và lễ hội đền Cả (Yên Thành).
Để công tác tổ chức các lễ hội này diễn ra đúng quy định, Sở VH-TT&DL Nghệ An đã chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch, trong đó tập trung vào công tác tổ chức phần lễ, phần hội phù hợp với truyền thống văn hóa. Năm nay, công tác thanh, kiểm tra cũng được tiến hành xuyên suốt từ đầu đến trong quá trình tổ chức các lễ hội.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, đề nghị ban tổ chức lễ hội các địa phương xây dựng quy hoạch, sắp xếp lại khu vực dịch vụ đảm bảo tính tôn nghiêm của di tích, nơi thờ tự. Ở một số lễ hội vẫn còn diễn ra các loại hình kinh doanh dịch vụ chưa có giấy phép, các trò chơi trá hình như phóng tiêu, bầu tôm cua cá, chiếc nón kỳ diệu tại lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương), lễ hội đền Cả (Yên Thành), đoàn đã lập biên bản xử lý, nghiêm cấm hoạt động.
Ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL cho biết: “Đến hết tháng Giêng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức 11 lễ hội đầu xuân. Cơ bản các lễ hội đều diễn ra an toàn, văn hóa thuần túy, đặc biệt đã chấn chỉnh, khắc phục được những thiếu sót, hạn chế của các năm trước, đó là tình hình trật tự ATGT, vệ sinh môi trường, tình trạng chèo kéo khách, ăn xin cơ bản không còn. Đặc biệt, năm nay Sở đã chỉ đạo nghiêm cấm, cho dừng tất cả các lễ hội chọi trâu ở các địa phương (Nghi Thái, Nghi Lộc; Cẩm Sơn, Anh Sơn), nghi thức chém trâu phản cảm tại lễ hội đền Chín Gian. Kiên quyết đình chỉ đối với 2 đơn vị đề nghị xin cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, vẫn còn một số lễ hội công tác quy hoạch dịch vụ hàng quán còn nhếch nhác, lộn xộn; việc công khai niêm yết giá chưa thực hiện nghiêm túc; việc thu gom, xử lý rác thải chưa kịp thời”.
“Phát thẻ ấn đền Quang Trung không phù hợp với văn hóa truyền thống”
Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, hoạt động lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu đã có nhiều chuyển biến tích cực, diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa, từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng, xã. Bộ VH-TT&DL cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, trong đó nổi lên là một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội; còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Bộ cũng thẳng thắn chỉ ra những hình ảnh phản cảm như chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội Phết (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh); tình trạng cán bộ, công nhân viên chức đi lễ hội trong giờ hành chính…Trong đó hoạt động phát thẻ ấn Quang Trung linh tự tại lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đền thờ vua Quang Trung được Bộ trưởng chỉ ra là không phù hợp với truyền thống lịch sử văn hóa.
Trước đó, trả lời phóng viên Báo Công an Nghệ An, ông Vũ Hồng Đức, Phó trưởng phòng Văn hóa UBND TP Vinh, Trưởng ban Quản lý đền Quang Trung cho biết: “Đây là năm thứ 4, đền thờ Quang Trung tổ chức phát thẻ ấn. Năm nay có hơn 17.000 thẻ ấn được phát ra. Trước khi tổ chức phát thẻ ấn, chúng tôi đã họp và lấy ý kiến thống nhất của lãnh đạo thành phố và các chuyên gia nghiên cứu. Thực chất đây không phải là ấn của vua mà là thẻ ấn của đền phát cho các du khách vào dịp đầu năm khi đến hành lễ với tâm lý xin được những điềm may mắn trong năm mới”.
Giải trình trước Bộ trưởng, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT Nghệ An cho rằng, đó là sự sáng tạo trong văn hóa và mong muốn được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, đồng chí Bộ trưởng đã thẳng thắn đề nghị địa phương thay đổi quan điểm, nếu không các lễ hội trên cả nước sẽ đồng loạt tổ chức phát ấn. Kết luận tại Hội nghị, Bộ yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về nếp sống văn minh. Đồng chí Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, những gì còn tồn tại ở một số lễ hội phải sửa chữa, khắc phục ngay và không để tái diễn.