(Congannghean.vn)-Các trò chơi dân gian được xem là món ăn tinh thần, góp phần tạo nên nét văn hóa truyền thống của lễ hội đầu năm. Theo thời gian, cùng sự phát triển của xã hội, các trò chơi dân gian vẫn “sống” và được gìn giữ, trao truyền cho đến ngày nay.
Nghệ An là mảnh đất có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, vào dịp đầu Xuân mới, có rất nhiều lễ hội diễn ra với những trò chơi dân gian thu hút người dân. Có thời gian, một số trò chơi dân gian đã bị quên lãng, tuy nhiên những năm trở lại đây, nhiều lễ hội đã phục hồi được các trò chơi dân gian, góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa của lễ hội.
Nhảy sạp, nét văn hóa đặc trưng của người Thái |
Có thể thấy, các trò chơi dân gian trong lễ hội không những thể hiện sâu sắc nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của mỗi dân tộc, vùng miền mà còn tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Hiện nay, các trò chơi dân gian gắn liền với lễ hội như: Kéo co, đánh đu, đua thuyền, đấu vật, cờ người…, hoặc mang nét đặc trưng của các lễ hội vùng cao như: Ném còn, đẩy gậy, ném pao, đu tiên, đẩy gậy… không chỉ dừng lại ở các trò chơi mang tính chất thông thường, một số trò chơi đã được đưa vào môn thi đấu trong các giải thể thao, hội khỏe Phù Đổng...
Đến với miền Tây xứ Nghệ trong những ngày đầu xuân, chúng tôi được hòa mình vào các trò chơi truyền thống của người Thái, người Hmông như: Đánh đu, ném còn, đi cà kheo... Trong trang phục truyền thống, những cặp nam thanh nữ tú háo hức với trò chơi đu tiên. Hình ảnh từng cặp đôi so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên tầm nhất định trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem thực sự trở thành một nét đặc trưng của các lễ hội vùng cao.
Các trò chơi này không những rèn luyện sức khỏe và mang tính giải trí mà còn là dịp để trai gái giao lưu, giao duyên trong ngày hội xuân. Đến với huyện Quỳ Châu vào các ngày từ 20 - 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm, chúng ta sẽ có dịp tham gia lễ hội Hang Bua, say đắm trước những trò chơi ném còn, nhảy sạp của người thiếu nữ Thái.
Thay vì những trò chơi trên Internet, điện thoại…, hiện nay, có rất nhiều trò chơi dân gian trong các lễ hội thu hút sự tham gia của các bạn trẻ, nhất là học sinh như: Đi cà kheo, chọi gà... Đây không chỉ là cơ hội để các em giao lưu, giải trí mà còn bồi đắp thêm về thể chất lẫn tâm hồn, giúp các em hiểu hơn về truyền thống dân tộc từ ngàn xưa mà cha ông đã để lại. Những trò chơi dân gian mang đậm nét đặc trưng của vùng miền, dân tộc, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân và được gìn giữ như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc…