Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/nghe-an-siet-chat-quan-ly-le-hoi-dau-xuan-721892/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/nghe-an-siet-chat-quan-ly-le-hoi-dau-xuan-721892/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghệ An: Siết chặt quản lý lễ hội đầu xuân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 07/02/2017, 09:40 [GMT+7]

Nghệ An: Siết chặt quản lý lễ hội đầu xuân

(Congannghean.vn)-Là mảnh đất địa linh nhân kiệt và bề dày truyền thống lịch sử, Nghệ An có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cũng như nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó nhiều lễ hội lớn tập trung vào dịp đầu xuân. Trong số 24 lễ hội lớn của toàn tỉnh có đến hơn một nửa lễ hội dân gian được tổ chức vào dịp đầu xuân, như: Lễ hội Vua Mai ở Nam Đàn (từ 13/1 - 15/1 ÂL); lễ hội đền Cờn ở Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai (từ 19/1 - 21/1 ÂL); lễ hội hang Bua ở Quỳ Châu (từ 20/1 - 22/1 ÂL); lễ hội đền Vạn, Cửa Rào ở Tương Dương (từ 20/1 - 22/1 ÂL)... thu hút hàng nghìn du khách thập phương.

Du khách thập phương hành lễ tại tượng Phật ngọc hòa bình thế giới ở chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn)
Du khách thập phương hành lễ tại tượng Phật ngọc hòa bình thế giới ở chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn)

Đầu xuân hành hương đi lễ chùa

Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội sôi nổi. Đi lễ hội đầu năm để cầu những điều tốt đẹp trong năm mới là nét đẹp văn hóa tâm linh từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để người dân tìm về với cội nguồn, tưởng nhớ công lao của các thế hệ đi trước và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.

Cả nước có hơn 8.000 lễ hội, riêng Nghệ An hàng năm có 24 lễ hội được cấp phép tổ chức, chiếm 0,3% tổng số lễ hội cả nước. Ngoài những lễ hội chính, tại các địa phương và các vùng dân tộc thiểu số còn tổ chức rất nhiều lễ hội khác. Mỗi lễ hội thể hiện một giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương, dân tộc; góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Để mùa lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, văn minh, từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, ngành văn hóa Nghệ An đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Hàng năm, vào dịp mồng 5 Tết âm lịch, TP Vinh tổ chức kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Hàng nghìn du khách thập phương đã về dâng hoa, dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng áo vải. 5 năm trở lại đây, vào dịp này, đền thờ Vua Quang Trung tổ chức phát thẻ ấn, vì vậy càng thu hút lượng lớn du khách. Năm ngoái, Ban quản lý phát gần 15.000 thẻ ấn, năm nay số thẻ ấn tăng lên với khoảng 17.000 thẻ. Vì thế, hàng nghìn người dân đã chen chân, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để lấy được thẻ ấn, những mong cả năm mạnh khỏe, bình an và gặp nhiều may mắn.

Dịp này, nhiều ngôi chùa trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động cầu an, khai bút, cầu phương tiện giao thông… Tại chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, TP Vinh), chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn)…, hàng nghìn phật tử, du khách đã đổ về chứng kiến lễ khai bút và xếp hàng chờ xin chữ. Năm nay, lần đầu tiên tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được trưng bày tại chùa Đại Tuệ. Sự kiện này càng thu hút nhiều du khách đến với chùa. Trung bình mỗi ngày, chùa Đại Tuệ đón hơn 1.000 lượt tăng ni, phật tử và du khách tới tham quan. Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được chạm khắc từ ngọc bích nguyên khối 18 tấn, cao 2,54 m, ngang 1,77 m và được triển lãm từ 28 Tết đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch.

Nhiều người xếp hàng giữ trật tự xin chữ đầu năm tại lễ khai bút ở chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, TP Vinh) vào mồng 7 Tết Đinh Dậu 2017
Nhiều người xếp hàng giữ trật tự xin chữ đầu năm tại lễ khai bút ở chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, TP Vinh) vào mồng 7 Tết Đinh Dậu 2017

Siết chặt hoạt động tổ chức lễ hội

Để mùa lễ hội năm nay diễn ra an toàn, đảm bảo yếu tố tâm linh, tiết kiệm, giữ đúng bản sắc văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội và ban hành các văn bản chỉ đạo của Sở, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lễ hội.

Theo đó, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; công tác thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để các lễ hội diễn ra đúng trọng tâm, đúng nghi thức; quản lý và sử dụng nguồn công đức...

Sở cũng đã chỉ đạo các địa phương có lễ hội xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, chương trình, thành lập Ban tổ chức và phân công trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, đặc biệt là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; việc quản lý tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội, phần lễ đảm bảo trang nghiêm, thành kính; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống. Trong đó phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, cổ truyền mang đặc trưng của các vùng, miền. Nghiêm cấm các hình thức mê tín dị đoan, các hủ tục gây phản cảm, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã...; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, các hành vi vi phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội. Đặc biệt là chú trọng đến công tác đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách tham dự lễ hội.

Mặc dù công tác quản lý và tổ chức trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến, tuy nhiên ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra tình trạng không đẹp mắt như hàng quán lộn xộn, nhếch nhác, chèo kéo khách; tình trạng ăn xin ngồi la liệt; mở loa phát nhạc ầm ĩ, xả rác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến mỹ quan nơi thờ tự... Nhiều người khi đi lễ còn có những hành xử thiếu văn hóa, đặc biệt là vẫn còn tình trạng thắp nhiều hương trong đền, điện; dâng cúng và đốt vàng mã quá nhiều; đặt lễ, tiền không đúng nơi quy định…

Mùa lễ hội đầu xuân đã khởi động trên khắp cả nước và đâu đó những hình ảnh phản cảm vẫn còn diễn ra. Điều đáng buồn là mặc dù đã được báo chí và dư luận phản ánh nhiều nhưng vẫn tái diễn hàng năm, nhất là tình trạng chen lấn, xô đẩy “cướp” lộc… Điều này xuất phát từ nhận thức lệch lạc của một bộ phận người dân.

Đi lễ chùa đầu xuân là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt nhưng không phải ai cũng hiểu đúng bản chất khi hành hương về lễ chùa. Đền, chùa là chốn linh thiêng, không phải nơi mua bán tài lộc. Nếu như đi lễ, chùa mà thiếu đi sự thành tâm, kính cẩn và trang nghiêm ít nhiều sẽ làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có của chốn đền, chùa cũng như làm mai một đi giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

.

Huyền Thương

.