Văn hóa - Giáo dục
Những cánh én làm đẹp mùa Xuân
(Congannghean.vn)-126 giáo viên và 126 học sinh tại buổi lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối năm 2016 là những điển hình đạt thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học. Đó là những tấm gương sáng về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới giáo dục, vượt khó vươn lên học giỏi... Báo Công an Nghệ An xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong năm 2016. Năm qua, họ đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và thực sự là những cánh én góp phần làm nên mùa xuân của ngành giáo dục tỉnh nhà.
1. Năm học 2015 - 2016, tại Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Nghệ An có 4 giáo viên và học sinh vinh dự được khen thưởng trong số 126 giáo viên và 126 học sinh đại diện cho hơn 1,1 triệu giáo viên và hơn 15 triệu học sinh phổ thông trên cả nước được vinh danh. Đây là những tấm gương sáng về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời là những tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các giải văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Cô giáo Phan Thị Bình luôn tận tâm, tận lực vì các thế hệ học sinh |
Một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của Nghệ An được tuyên dương là cô Phan Thị Bình, giáo viên Trường THCS Quán Hành, huyện Nghi Lộc. Những ngày đầu Xuân, bên ấm trà còn nóng hổi, cô Phan Thị Bình có dịp cùng học trò cũ ôn lại những kỷ niệm xưa. Dẫu giờ đây, có em đã bước vào đại học, có em mới chỉ đang học lớp 10 nhưng học sinh đều nhớ đến cô, tìm về để được chia sẻ, động viên mỗi khi gặp khó khăn trên đường đời. “Chính tình cảm thiêng liêng của học trò đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, để từ đó thêm yêu và gắn bó với nghề hơn…”, cô Bình chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, năm cô Bình lên 7 tuổi thì người bố mất vì bạo bệnh, một mình mẹ gồng gánh nuôi 7 anh chị em ăn học. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng anh chị em cô luôn bảo ban nhau cố gắng học thật giỏi để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ngay từ những năm học THPT, cô Bình đã có niềm đam mê với văn chương. Là học sinh giỏi Văn, thích ngành Y dược nhưng rồi cô quyết định chọn nghề sư phạm để đỡ gánh nặng kinh tế cho mẹ và các anh chị. Ngày theo học ngành Sư phạm Hóa, Trường CĐSP Nghệ An nhưng cô vẫn còn băn khoăn với quyết định của mình.
Tuy nhiên, “trong một lần đi kiến tập tại vùng quê nghèo ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, được tiếp xúc với các em học sinh, tình cảm học trò dành cho cô giáo đã làm tôi xúc động. Từ đó, tôi cảm thấy yêu nghề, muốn gắn bó dài lâu với nghề mình đã chọn…”, cô Bình bộc bạch.
Tốt nghiệp ra trường đến nay đã 25 năm, thời gian đầu cô Bình về nhận công tác tại Trường THCS Nghi Công - một ngôi trường thuộc xã miền núi của huyện Nghi Lộc, đời sống của người dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sức trẻ, sự nhiệt huyết, cô giáo Phan Thị Bình đã để lại ấn tượng đẹp bởi sự sẻ chia, quan tâm.
Cô đã lặn lội đến từng gia đình hỏi han, động viên học sinh, cùng với thầy cô trong trường quyên góp sách vở, bút mực…, tạo điều kiện tốt nhất để các em đến trường. Sau một thời gian luân chuyển nhiều nơi, nhờ có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích cao, cô được chuyển về công tác tại Trường THCS Quán Hành, dạy môn Hóa học.
Theo cô Bình, Hóa học là một môn học khó. Vì vậy, để tạo cho các em sự say mê, thích thú với môn học, ngoài nắm vững chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ, cô Bình còn phải thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến Hóa học, tìm các phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với tâm lý học sinh.
Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức để học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi còn giúp các em biết vận dụng những kiến thức vào thực tiễn đời sống, khơi gợi ở các em niềm say mê nghiên cứu khoa học, khát khao phấn đấu để đạt được thành công ở những đấu trường cao hơn.
Với phương pháp dạy hiệu quả, khoa học của cô giáo Phan Thị Bình, học trò của cô tham gia kỳ thi nào cũng gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Hàng năm, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đạt từ 80 - 100%. Trong đó, có nhiều em đạt thủ khoa và các giải Nhất, Nhì, Ba. Đặc biệt, nhiều học sinh đỗ vào lớp chuyên Hóa Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Trong đó có 5 em học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đỗ học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa là cựu học sinh Trường THCS Quán Hành do cô Bình trực tiếp bồi dưỡng ở cấp THCS. Năm 2012, cô Bình thi đỗ giáo viên cao cấp, với 2 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4, nhiều năm liền được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Em Nguyễn Tiến Dũng tại lễ trao học bổng của Trường Đại học Y Hà Nội |
2. Là 1 trong 2 học sinh Nghệ An được tuyên dương học sinh tiêu biểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Nguyễn Tiến Dũng, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vô cùng xúc động lẫn tự hào. Ít ai biết được rằng, để trở thành Thủ khoa khối B tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Dũng chỉ có gần 1 năm ôn luyện bởi trước đó, Dũng vẫn theo đuổi mục tiêu vào đội tuyển quốc gia thi học sinh giỏi môn Toán.
Sinh ra tại xã Nghi Ân thuộc vùng ven đô TP Vinh, bố mẹ Dũng chỉ làm lao động tự do nên không hỗ trợ được nhiều cho em trong quá trình học tập. Những năm học THCS, Nguyễn Tiến Dũng say mê với môn Toán. Để theo đuổi niềm đam mê đó, học hết lớp 9, Dũng thi đỗ vào lớp chuyên Toán của cả 2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT chuyên Đại học Vinh. Tuy nhiên, em đã chọn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu để theo đuổi niềm đam mê Toán học.
Đặt mục tiêu vào Đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán, 2 năm đầu Dũng miệt mài học ngày học đêm. Nhưng may mắn không đến khi cả 2 năm liền em đều bị loại. Thất vọng nhưng không cho phép bản thân mình chán nản, buông xuôi bởi kỳ thi THPT quốc gia đã đến gần. Không muốn thất bại lần nữa, Dũng lao vào học với ước mơ quyết tâm đặt chân vào giảng đường Đại học Y Hà Nội.
Dũng chia sẻ: “Từ bé, em đã mơ ước được khoác chiếc áo blouse trắng, chữa bệnh cho mọi người. Ước mơ ấy càng cháy bỏng hơn khi năm 2011, chị gái của Dũng bị tai nạn phải nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Chứng kiến công việc của các y, bác sĩ nơi đây đã thôi thúc em vào ngành Y, cố gắng trở thành một bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức để chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.
“Quả ngọt” cho sự nỗ lực của Dũng là thành tích đạt thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với số điểm 29,15. Ước mơ của em đã trở thành hiện thực. Lựa chọn Y đa khoa - một ngành học khó của Trường để khởi đầu sự nghiệp của mình, Dũng hy vọng trở thành một bác sĩ ngoại khoa giỏi. Để làm được điều đó, theo Dũng cần phải tập trung kiến thức chuyên môn, tạo nền tảng học thuật vững chắc và trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Bên cạnh đó, lên kế hoạch nhận công việc ngoài thời gian học để tích lũy thêm kinh nghiệm sống cũng như đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình.
Một mùa Xuân lại về mang theo bao hy vọng, ước mơ. Chúng ta cùng chúc cho những người “cầm lái” luôn vững tay chèo, chở những chuyến đò cập bến bờ tri thức; các thế hệ học sinh luôn tiếp nối truyền thống hiếu học, luôn là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ...
Phan Tuyết