Văn hóa - Giáo dục
Có những cái Tết rất gần…
(Congannghean.vn)-Họ là những chuyên gia, những thầy giáo, những nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc, giảng dạy, công tác trên mảnh đất xứ Nghệ quanh năm nắng cháy. Vì nhiều lý do khác nhau, họ đã lựa chọn ở lại và tận hưởng trọn vẹn Tết cổ truyền tại Nghệ An - mảnh đất họ xem như quê hương thứ hai của mình. Có những tâm tư, có những ước nguyện và không ít kỷ niệm khó quên mà mỗi lần nhắc đến, mỗi người đều trào dâng cảm xúc. Phóng viên Báo Công an Nghệ An đã ghi lại những chia sẻ, câu chuyện của họ trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017.
Ông Je Min Park, Giám đốc Công ty TNHH Strongplus Elevator |
Những dư âm đẹp…
Tôi gặp ông Je Min Park (SN 1965), quốc tịch Hàn Quốc khi ông cùng nhân viên công ty đang tất bật để hoàn tất những phần việc cuối năm. Là Chủ tịch HĐQT của Công ty thang máy Strongplus Elevator Việt Hàn tại Nghệ An, ông Park có nhiều năm gắn bó với Nghệ An. Chia sẻ cảm nhận của mình về mảnh đất và con người xứ Nghệ, ông Park cho biết: “Do điều kiện công việc nên tôi tiếp xúc với người Việt Nam từ khá lâu. Cách đây hơn 10 năm, bên phía công ty của tôi tại Hàn Quốc cũng có người Việt Nam. Hàng năm, tại Hàn Quốc, cứ đến Tết âm lịch là nhiều nhân viên trong Công ty lại xin về Việt Nam ăn Tết. Dù đã tìm hiểu qua phương tiện thông tin đại chúng nhưng tôi rất tò mò về phong tục tập quán cũng như đặc trưng ẩm thực, thời trang của các bạn. Trong dịp Tết cổ truyền Bính Thân vừa qua, vì muốn tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền Việt Nam, vừa để giải quyết thêm công việc với đối tác nên tôi ở lại Nghệ An ăn Tết”.
Chia sẻ về cái Tết đầu tiên ở Việt Nam, ông Park cho biết thêm: “Lần đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam mà cụ thể là ở Nghệ An, bản thân tôi rất vui. Không khí chuẩn bị Tết ở Việt Nam khác nhiều so với Hàn Quốc. Khắp nơi đều ngập tràn không khí Xuân, từ những cành đào, cành mai thi nhau xuống phố đến việc bài trí, trang hoàng ở các góc phố, con đường. Đó là chưa kể qua những lần dạo bộ, tôi còn được thấy mọi người cùng nhau gói bánh chưng, làm thịt lợn. Nếu như Tết cổ truyền tại Hàn Quốc chủ yếu dành cho gia đình thì tại Nghệ An, ngoài việc trong đêm giao thừa mọi người sum vầy quây quần bên nhau, đến từng nhà chúc Tết, còn có rất nhiều bạn trẻ ra đường để xem pháo hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh, rồi du xuân, hái lộc”. Trong dịp Xuân 2016 vừa qua, ông Park cũng đã đến gia đình của các nhân viên trong Công ty để chúc Tết. Điều này khiến ông vơi bớt nỗi nhớ quê hương, gia đình của mình.
Với ông Park, Tết cổ truyền tại Việt Nam vừa có nét chung với các quốc gia châu Á, vừa có nét riêng không trộn lẫn vào đâu được. “Đến Tết, cứ có cảm giác ai cũng chộn rộn, vội vàng hơn, ai cũng lo sắm sửa thật chu toàn cho gia đình mình. Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, Nghệ An đã chuyển mình mạnh mẽ. Kéo theo đó là nhịp sống hiện đại, hối hả. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn giữ cho mình nét truyền thống với những phong tục đậm chất quê hương. Tết cổ truyền ở Nghệ An có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Năm nay, tôi phải về quê để giải quyết việc gia đình, nếu có cơ hội, nhất định tôi sẽ ở lại để được tận hưởng thêm không khí Tết nơi đây…”, ông Park cho biết thêm.
Và những mong chờ…
Ngoài ông Park còn có rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã ở lại ăn Tết cổ truyền tại Nghệ An trong nhiều năm trở lại đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với làn sóng đầu tư nước ngoài đang ngày càng mạnh mẽ và tạo hiệu quả rõ nét trên địa bàn… Thầy Moon Jong Ho là một thầy giáo Hàn Quốc. Năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng vì đam mê tìm hiểu phong tục tập quán của Việt Nam nên ngay khi được cấp trên đề xuất, thầy đã nhanh chóng nhận lời và sang làm tình nguyện viên dạy tiếng Hàn tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Sau thời gian học tiếng Việt ở Hà Nội, tháng 4/2016, thầy Ho đến TP Vinh. Ngoài thời gian giảng dạy tại Trường, thầy ở tại tòa nhà Lotus và chọn phương tiện di chuyển bằng xe buýt hoặc xe đạp.
Ngày đầu mới đến TP Vinh, cũng như bao người nước ngoài khác, thầy hoàn toàn lạ lẫm với thực phẩm, đường sá và ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ được các giáo viên cùng trường và các em học sinh thường xuyên trò chuyện, giao lưu nên thầy cũng bớt bỡ ngỡ và quen dần với cách sinh hoạt nơi xứ Nghệ. “Lúc đầu, qua tìm hiểu, tôi cứ tưởng Nghệ An là khí hậu nhiệt đới, quanh năm nắng nóng, hóa ra tại đây tôi được hưởng trọn vẹn 4 mùa trong năm. Điều này khiến tôi thấy rất thú vị và bớt nhớ nhà hơn”, thầy Moon Jong Ho cho biết.
Thầy Moon Jong Ho trao đổi với phiên dịch viên về những hy vọng trong Xuân Đinh Dậu 2017 |
Trong Xuân 2017 này, vì yêu cầu công việc, thầy Ho sẽ ở lại Nghệ An. Đây cũng là lần đầu tiên, thầy Ho ăn Tết tại Việt Nam. Thầy Ho tâm sự: “So với Việt Nam, Tết Hàn Quốc cũng có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên, theo như bạn bè kể lại và qua tìm hiểu, tôi được biết, Tết cổ truyền tại Việt Nam thường tổ chức lớn hơn và sửa soạn cũng nhiều hơn. Tại Hàn Quốc, vào dịp Tết, mọi người thường có món ăn truyền thống là bánh top, một loại bánh canh được làm từ bột nếp. Ý nghĩa của bánh top cũng giống như bánh chưng trong Tết cổ truyền Việt Nam. Phụ nữ chọn Hanbook truyền thống làm trang phục để cùng gia đình đón chào năm mới và đón tiếp khách. Tôi chỉ sợ Tết ai cũng lo việc gia đình, các siêu thị đóng cửa thì mua thực phẩm sinh hoạt như thế nào. Đó là chưa kể, đường sá vắng vẻ, không nhộn nhịp như ngày thường, vì thế, tôi rất mong, Tết này sẽ được mời đến gia đình người Việt nào đó để tận hưởng cảm giác sum vầy, quây quần bên gia đình”.
Cũng qua trang báo Công an Nghệ An, thầy Moon Jon Ho gửi lời chúc đầu Xuân đến các thầy cô giáo, các bạn sinh viên Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và tất cả mọi người dân xứ Nghệ.
Chung tay vì sự phát triển chung
Hàng năm, UBND tỉnh Nghệ An đều tổ chức các buổi gặp mặt đón Tết cổ truyền, mừng xuân mới với bạn bè quốc tế. Đây được xem như hoạt động tri ân những người bạn quốc tế đã đóng góp công sức và trí tuệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phồn vinh của tỉnh Nghệ An.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều khẳng định: Tỉnh nhà luôn mong muốn được đón chào các nhà đầu tư đến với Nghệ An. Lãnh đạo tỉnh luôn chủ trương nhất quán cơ chế, chính sách ưu đãi với nhà đầu tư, luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; đồng thời sẽ luôn sát cánh cùng nhà đầu tư phát huy tối đa hiệu quả dự án. Với thông điệp ý nghĩa đó, Nghệ An mong muốn, Tết cổ truyền không chỉ là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn là dịp để mọi người xích lại gần nhau, cùng chia sẻ và gắn kết thêm mối quan hệ hữu tình, cùng hẹn ước và mong chờ những kết quả tốt đẹp hơn trong năm mới, vì một mục tiêu chung là đưa Nghệ An phát triển mạnh mẽ và phồn vinh.
Tuệ Trang