Văn hóa - Giáo dục

Một năm văn chương bình lặng

14:38, 23/01/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Văn chương 2016 để lại dấu ấn gì trong lòng độc giả? Công việc “tính sổ văn chương” một năm thường rất khó khăn, đòi hỏi sự tổng kết của một bộ phận nghiên cứu chuyên sâu (như Phòng Văn học Việt Nam đương đại thuộc Viện Văn học, chẳng hạn). 
 
Nói văn chương một năm bình lặng nghĩa là, theo quan điểm của chúng tôi, nó ở vào tình trạng không đột biến nhờ thăng hoa, cũng không bị chìm lấp đi vì thiếu sinh khí.
 
Văn chương vẫn tồn tại như nó vốn có. Nhưng nếu theo dõi sát sao lực lượng sáng tác sẽ thấy trạng thái “già hóa” đang khiến văn chương khó bề có một cuộc bứt phá ngoạn mục. Thế hệ U90 (như Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng,…) tuy vẫn còn xuất hiện nhưng có lẽ cũng không còn "trụ" lâu được trên văn đàn.
Hai trong 7 tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
Hai trong 7 tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
Những gì “trời cho” họ đã cống hiến tận tình cho xã hội. Thế hệ U80 cũng đang hoàn thành nốt những công việc cuối cùng của nghiệp/hơn là nghề văn. Thế hệ U70 cũng đã vắt kiệt hết mình.
Thế hệ U60 tuy đã định vị nhưng vốn liếng xem ra không còn dư dả. Nghĩa là nền văn chương Việt đang cần có một cuộc chạy tiếp sức. Sức sống của một nền văn chương gắn với tuổi trẻ, sức trẻ.
 
Như dự cảm được tình trạng “già hóa” của nền văn chương, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những động thái tích cực nhằm gây dựng cơ đồ bằng chiến lược trẻ hóa đội ngũ sáng tác.
 
Bằng chứng là trong năm đã tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9, tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã lạc quan nói đến “lý do của hi vọng”. Hi vọng vào những thế hệ kế cận (7X, 8X, và cả 9X).
 
Những tên tuổi thuộc thế hệ này đã và đang phát lộ như Trần Thanh Hà, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Danh Lam, Phong Điệp, Nguyễn Thế Hùng, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Phùng Văn Khai, Uông Triều, Đỗ Bích Thúy, Dili, Bình Nguyên Trang, Đinh Phương, Phạm Vân Anh, Meggie Phạm, Huỳnh Trọng Khang,…
 
Qua đợt kết nạp hội viên mới 2016, dư luận xã hội đã nhen nhóm niềm hi vọng khi thấy những người trẻ tuổi sớm được khẳng định (xuất hiện những gương mặt sáng như Văn Thành Lê, Đào Quốc Minh, Lữ Thị Mai, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm, Đào Trung Hiếu). Chúng tôi gọi năm 2016 là  năm của tuổi trẻ.
 
Nhưng ngoài “năm của tuổi trẻ”, liệu văn chương 2016 có thể ghi dấu ấn trong lòng độc giả ở một lĩnh vực nào đó trội lên? Có đấy! Vẫn chủ yếu là tiểu thuyết, một thể loại được coi là “máy cái” của bất kì nền văn chương trưởng thành nào.
 
Một số cuốn tiểu thuyết đáng đọc trong năm: “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh, “Người thợ mộc và tấm ván thiên” của Ma Văn Kháng, “Câu chuyện Đà Nẵng” của Thái Bá Lợi, “Mưa đỏ” của Chu Lai, “Thư về quá khứ” của Nguyễn Trọng Tân, “Lửa” (quyển hai trong bộ ba tiểu thuyết “Kiếp người”) của Hữu Ước, “Vỡ vụn” của Nguyễn Bắc Sơn, “Lời tựa tình yêu” của Trần Mai Hạnh, “Rừng đói” của Nguyễn Trọng Luân, “Mộ phần tuổi trẻ” của Huỳnh Trọng Khang.
 
Thơ đi về đâu? Hẳn là một câu hỏi lớn. Lý luận phê bình đang lúng túng, đang tìm lối ra. Đó là một thực tế. Dịch thuật như “nấm mọc sau mưa”. Nhưng từ góc độ tiếp biến văn hóa thấy còn nhiều vấn đề cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn bằng các thiết chế văn hóa.
 
Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016 có gì mới?
 
Dư luận xã hội thường rất quan tâm tới giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, vốn được xem là thành tựu một năm. Công bằng mà nói, năm nay những  tác phẩm đoạt giải đều ở tầm mức khá.
 
Nhưng chưa thực sự vượt trội. Chưa thực sự gây nên sự kiện văn chương. Chưa thực sự lan tỏa. Nghĩa là dư âm chưa thành cao trào, nếu so với năm 1991. Đó là một đỉnh cao khó vượt.
 
Một lần nữa người ta lại thấy sự “già hóa” của văn chương qua giải thưởng (trong 7 tác giả đoạt giải thì chỉ có 1 người sinh năm 1973 - Trần Huyền Sâm, chuyên ngành lý luận phê bình). Tuổi trung bình của các ứng viên nhận giải thưởng là 60,2. Bao giờ thì kéo xuống được 30, 40? Bao giờ cho đến ngày… xưa?
 
Dự cảm văn chương 2017
 
Trong Hội nghị văn học 2016, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu lên những khó khăn về mặt tài chính như là bức tường ngăn sự phát triển của văn chương khi chúng ta không còn được bao cấp nhiều như trước nữa.
 
Đó đây có tiếng thở dài, lo âu cho tiền đồ của văn chương nước nhà khi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Đã đành như thế. Nhưng trong 10.000 ngày kháng chiến thần thánh (1945-1975), nhà văn của chúng ta nào có tính đến nhuận bút.
 
Viết như một sự thôi thúc nội tâm không thể nào khác. Viết để trả món nợ cho đồng đội đã hi sinh vì chiến thắng cuối cùng. Viết như là một cách tồn tại giữa cuộc đời. Bây giờ nhà văn ta nào đã đến mức lầm than, nào đã đến mức thiếu tự do sáng tác.
 
Cái chúng ta thiếu là những tài năng văn chương. Biết đâu khi được “thả nổi”, nhà văn chúng ta lại tăng cường hơn tính tự chủ, tự lập và ngày càng tự tin. Và thường thì trong “cái khó ló cái khôn” như dân gian đã tổng kết.
 
Dự cảm văn chương một năm là rất khó. Văn chương không phải là kinh tế  để có thể tính đếm tăng trưởng bao nhiêu phần trăm. Một năm, với với văn  chương có thể không có thành tựu gì, cũng là bình thường.
 
Với văn chương, chúng ta phải thật bình tĩnh, công tâm, hào hiệp. Không bi quan đã đành, cũng không nên lạc quan tếu. Văn chương 2017 và  tương lai gần có khởi sắc hay không là còn chờ vào thế hệ trẻ. Tại sao không?

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác