Văn hóa - Giáo dục
Xâm hại di sản, môi trường văn hóa: Cần chế tài mạnh
(Congannghean.vn)-Với bề dày lịch sử - văn hóa và nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, những năm qua, ngành du lịch đã mang về nguồn thu lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Tuy nhiên, tình trạng nhiều di tích, di sản và điểm đến du lịch bị xâm hại dưới nhiều hình thức không chỉ gây ra nhiều hệ lụy trên lĩnh vực văn hóa, xã hội mà còn khiến hình ảnh Nghệ An ít nhiều bị “méo mó”.
Trộm cắp tiền công đức tại các đền, chùa là hành vi xâm hại di tích đáng lên án - Ảnh minh họa |
Từ sự vô ý thức…
Thời gian qua, cánh đồng hoa hướng dương đã trở thành một “đặc sản” của vùng đất Nghĩa Đàn. Nơi đây thu hút lượng lớn người dân thập phương về tham quan, thưởng ngoạn. Thế nhưng, điều đáng buồn là, loài hoa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt này lại “sớm nở chóng tàn” do hành vi thiếu ý thức của một số người, đặc biệt là thanh niên. Họ thản nhiên ngắt lá, bẻ cành, thậm chí dùng tay đấm nát những bông hoa. Mặc dù đã được nhắc nhở về việc không dẫm đạp lên hoa trong khi chụp hình và có các biển cảnh báo về điều này nhưng gần như sau khi mỗi đoàn khách du lịch rời đi, một diện tích nhỏ cây hoa vẫn bị đổ gãy. Thực tế này cho thấy những biểu hiện lệch lạc, phi văn hóa khi ứng xử với cảnh sắc của quê hương và cần được chấn chỉnh, khắc phục và có hình thức xử phạt kịp thời.
Theo đó, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho khách du lịch, thiết nghĩ, việc ban hành và áp dụng chế tài cụ thể đối với các hành vi phá hoại cảnh quan du lịch là hết sức cần thiết, trong đó có thể xử phạt tài chính tại chỗ đối với những hành vi vi phạm.
… Đến phục vụ lợi ích cá nhân
Lấn chiếm di tích lịch sử để xây dựng các công trình mới là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Khoản 5, Điều 34, Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa hoặc hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích văn hóa sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. |
Nghệ An hiện có gần 1.400 di tích, trong đó 358 di tích đã được xếp hạng. Ngoài thực tế nhiều nơi đang trở thành “phế tích” theo thời gian, một số địa danh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đang bị người dân lấn chiếm, xâm hại. Đơn cử như khu di tích lịch sử cấp quốc gia thành cổ ở TP Vinh. Trong một thời gian dài, nơi đây bị lấn chiếm bởi hàng loạt công trình xây dựng, hàng trăm mét hào trở thành kênh chứa nước thải, địa điểm xả rác của người dân 2 phường Quang Trung, Đội Cung.
Một trường hợp khác là di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh tại địa bàn xóm 6, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn. Việc địa phương này cho một số hộ dân thuê đất thuộc hành lang giao thông tại khu vực ngã tư đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 7 để dựng hàng quán kinh doanh là một biểu hiện của việc xâm hại nghiêm trọng di tích lịch sử quốc gia mốc đường Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn chưa được chính quyền địa phương quan tâm, bảo vệ nên một số nhà thầu ngang nhiên tiến hành việc khai thác đất, đá tại khu vực lân cận di tích; điển hình như tại lèn Vũ Kỳ - khu vực giáp ranh giữa 2 xã Đồng Thành và Phúc Thành (huyện Yên Thành). Việc khai thác đá tại đây trong nhiều năm liền khiến diện tích của lèn bị thu hẹp, đồng thời ảnh hưởng đến di tích chùa Thiên Tạo và địa điểm vốn là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của quân đội ta trong thời chiến tranh. Trên thực tế, nhiều di tích đến nay do chưa có đầy đủ hồ sơ, quy hoạch, cắm mốc bảo vệ nên khi bị lấn chiếm, việc xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Cũng liên quan đến vấn đề xâm hại di tích, tình trạng người dân lấn chiếm đất di tích để xây dựng nhà ở, hàng quán hay “vấn nạn” trộm cắp đồ thờ, tiền công đức cũng là hành vi đáng lên án. Sự việc đền Cuông (huyện Diễn Châu) bị trộm “viếng thăm” hồi cuối tháng 10/2016 không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm cũng như giá trị văn hóa tâm linh của một trong những ngôi đền thiêng của xứ Nghệ.
Di tích lịch sử, văn hóa và các địa danh du lịch là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá và nét đẹp bản sắc của địa phương, góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc và lòng yêu quê hương, đất nước. Do vậy, công tác giữ gìn, bảo vệ di tích và môi trường văn hóa phải được chính quyền và các cơ quan chức năng coi trọng hơn nữa.
Hồng Hạnh