Văn hóa - Giáo dục
Tết cổ truyền Việt Nam trong mắt du học sinh
(Congannghean.vn)-Háo hức, chờ đợi là tâm trạng của các du học sinh khi nghĩ đến Tết cổ truyền Việt Nam sắp tới. Sinh sống và học tập ở Việt Nam trong một thời gian khá dài, những du học sinh Lào, Thái Lan đang học tập ở Nghệ An đều có chung mong muốn khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam trong những ngày Tết Nguyên đán.
Du học sinh Lào tập luyện các ca khúc để hát tặng bạn bè Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới |
Để chào đón năm mới Đinh Dậu 2017, Pachai Ya và các bạn sinh viên đã mặc áo dài truyền thống của Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại vườn đào Nghi Ân, TP Vinh. Được khoác lên mình bộ áo dài, dạo bước giữa vườn đào và ngắm những bông hoa đào đầu tiên hé nụ - với Pachai Ya đó là một điều rất tuyệt vời. Là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Vinh, Pachai Ya đã tìm hiểu nhiều ngày lễ của Việt Nam, trong đó ngày Tết cổ truyền khiến cô ấn tượng nhất và để lại nhiều kỷ niệm đẹp.
Tết Âm lịch năm 2016, Pachai Ya được gia đình bố mẹ nuôi ở TP Vinh giữ lại Việt Nam ăn Tết. “Thật là thú vị, tuyệt vời khi em được đón Tết ở Việt Nam, hòa cùng dòng người đông đúc, nhộn nhịp trên phố phường, cùng mọi người trong gia đình trang hoàng nhà cửa, sắm sửa cho ngày Tết, theo bố đi chọn mua hoa đào. Tất cả những thành viên trong gia đình quây quần chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, may mắn cho năm mới khiến em cảm nhận được hơi ấm của gia đình. Đặc biệt, em đã được tham gia và biết thêm nhiều phong tục trong ngày Tết Việt Nam. Đó là lì xì cho người già, trẻ nhỏ; đi chúc Tết bà con, bạn bè”, Pachai háo hức chia sẻ.
Không chỉ Pachai Ya, hầu hết các du học sinh Lào, Thái Lan hiện đang học tập tại Nghệ An đều rất háo hức, thích thú với ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt để tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt. Vì vậy, mặc dù được nghỉ lễ gần 2 tuần nhưng không ít du học sinh đã nhận lời mời của các bạn Việt Nam lưu lại đây ăn Tết cùng gia đình.
Với Phonekham, sinh viên năm thứ 3, khoa Sư phạm Chính trị thì dù mỗi quốc gia đều có những phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hóa khác nhau trong ngày Tết, tuy nhiên, tất cả mọi người trên thế giới này đều có chung một tâm trạng háo hức, vui mừng chờ đón năm mới, nhất là mọi thành viên trong gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Nếu như Tết Bunpimay của Lào có lễ hội té nước, tắm Phật hay buộc chỉ tay cầu mong sức khoẻ, may mắn trong năm mới thì ở Việt Nam mọi người lại gói bánh chưng, bánh tét, cùng nhau đi thăm hỏi, chúc Tết người thân, gia đình, đi lễ chùa…
Trong thời gian kiến tập tại huyện Hưng Nguyên vừa qua, Phonekham đã được gia đình chủ nhà mời ở lại ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình. Phonekham chia sẻ: “Người dân ở đây rất thân thiện và mến khách. Những năm qua, nhà trường đã rất tạo điều kiện và giúp đỡ em trong việc học tập, sinh hoạt hàng ngày. Đi đến đâu em cũng được mọi người hướng dẫn tận tình, điều này khiến những du học sinh như em rất ấm lòng, yên tâm và vơi đi nỗi nhớ nhà. Đợt kiến tập vừa rồi, nếu không có sự giúp đỡ của chủ nhà, em sẽ khó mà hoàn thành công việc của mình một cách thuận lợi như vậy. Mọi người đối xử với em như con cái trong nhà. Chắc chắn năm nay em sẽ ở lại đây ăn Tết”.
Là 2 quốc gia có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, Việt Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất cho du học sinh Lào khi đến học tập tại Việt Nam. Điều đó khiến các em luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp mà mọi người dành cho mình và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Trong số những nét văn hóa của người Việt vào dịp Tết thì điều khiến Sangdesa thích hơn cả đó là phong tục mừng tuổi - lì xì đầu năm mới.
Theo Sangdesa, về ý nghĩa thì lì xì đầu năm cũng giống như buộc chỉ tay trong ngày Tết cổ truyền của Lào, như một điềm may mắn. Sangdesa cho biết: “Dịp giáp Tết, tranh thủ thời gian chưa nghỉ lễ, bọn em thường đi dạo các khu chợ như chợ Vinh, chợ Đại học ngắm nghía những gian hàng Tết. Thích nhất là những chiếc phong bao lì xì đỏ tươi trông rất đẹp và bắt mắt. Thật thích thú khi được hòa vào dòng người trên phố, ngắm nhìn những hàng quán lấp lánh sắc màu, điều này không hề có ở đất nước em”.
Sangdesa cũng cho biết thêm, vào dịp Tết Bunpimay, Tết Songkran của Lào và Thái Lan, Trường Đại học Vinh thường tổ chức ngày hội chúc mừng, tạo điều kiện cho du học sinh các nước đón Tết. Điều này khiến chúng em vô cùng xúc động vì được ăn Tết cổ truyền ngay trên đất nước bạn, được tận hưởng không khí Tết với những phong tục, đầy đủ các nghi thức té nước, buộc chỉ tay… Đặc biệt, Sangdesa và các bạn còn được các thầy cô và các bạn Việt Nam lì xì, điều này khiến Sangdesa rất vui và hạnh phúc.
Để đáp lại tình cảm đặc biệt này, thời điểm này, các bạn du học sinh Lào, Thái Lan cũng đang tự tay chuẩn bị những món quà nho nhỏ để tặng thầy cô, bạn bè người Việt nhân dịp năm mới. Với họ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam thực sự là một nét đẹp văn hóa giàu giá trị truyền thống và đậm hơi ấm của tình thân.
Huyền Thương