Văn hóa - Giáo dục
'Bội thực' các cuộc thi cho học sinh
(Congannghean.vn)-Những cuộc thi bổ ích, thiết thực, ý nghĩa sẽ thu hút sự tham gia tự nguyện của nhiều học sinh. Tuy nhiên, cuộc thi tổ chức theo kiểu phong trào, lấy số lượng để phản ánh sẽ không còn ý nghĩa mà thay vào đó là sự đối phó, chạy theo thành tích, gây áp lực cho giáo viên và học sinh…
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh tham gia cuộc thi Giao thông thông minh trên Internet |
Tháng 12/2016, Bộ GD&ĐT có ý kiến về việc tạm dừng cuộc thi “Chinh phục vũ môn” - một cuộc thi trên Internet dành cho học sinh. Trước những tồn tại, bất cập như: Thành phần tham gia chưa phù hợp, công tác tuyên truyền, tổ chức điều hành cuộc thi chưa tốt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của học sinh. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Vụ Công tác học sinh - sinh viên (đơn vị đầu mối phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) báo cáo về vấn đề này; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương làm việc với Trung ương Đoàn đề nghị tạm dừng tổ chức cuộc thi nói trên, tiến hành rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học các vấn đề liên quan đến cuộc thi mà dư luận đang quan tâm.
Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT rà soát các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. Theo văn bản này, các Sở GD&ĐT phải tiến hành rà soát lại các cuộc thi đang được tổ chức tại các địa phương và báo cáo với Bộ về những ưu điểm, hạn chế, khó khăn của giáo viên và học sinh khi tham gia các cuộc thi này cũng như đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới.
Nghệ An là một trong những tỉnh, thành có số lượng lớn học sinh đăng ký tham gia nhiều cuộc thi. Theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng chục cuộc thi từ cấp tiểu học đến THCS, THPT. Tại TP Vinh, ngay các trường tiểu học, từ đầu năm Phòng GD&ĐT đã thông báo nhiều cuộc thi của ngành như: Thi tiếng Anh trên mạng (IOE), cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học trên Internet (Violympic), thi Olympic các môn học, thi vở sạch chữ đẹp…
Ngoài ra, có một số cuộc thi do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành khác theo kiểu hoạt động ngoại khóa như: Ý tưởng tuổi thơ, Trường học tiết kiệm điện, Chinh phục vũ môn… Ở cấp THCS và THPT, các em học sinh ngoài tham gia các cuộc thi do Bộ GD&ĐT phát động thì còn tham gia các cuộc thi do các tổ chức, Đoàn thanh niên phát động như: Tự hào Việt Nam, Tôi yêu Tổ quốc tôi, thi trực tuyến Tìm hiểu văn bản pháp luật mới… Có thể nói, các cuộc thi này đều là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua nên không chỉ những trường điểm mà hầu hết các trường đều phải tham gia.
Trên thực tế, có nhiều cuộc thi đem lại hiệu quả thiết thực, bổ ích và ý nghĩa. Nó không chỉ tạo cho học sinh có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi, nâng cao vốn hiểu biết của mình mà thông qua đó còn giúp các em tự tin, năng động hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều cuộc thi đã gây áp lực cho học sinh, làm ảnh hưởng đến việc học tập, tạo cho tâm lý nhiều em thích thành tích, khen thưởng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã không tổ chức một số cuộc thi như: Tiếng hát học sinh, tiếng hát Hoa phượng đỏ…, tránh gây lãng phí, ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Trước văn bản yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã rà soát lại các cuộc thi. Trên cơ sở phân tích những ưu, nhược điểm để có biện pháp khắc phục, làm thế nào để cuộc thi không những hấp dẫn mà phải bổ ích, thiết thực đối với học sinh.
Phan Tuyết