(Congannghean.vn)-Từ xưa cho đến nay, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu nổi tiếng là mảnh đất hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây đã sản sinh cho đất nước, dân tộc những người con ưu tú, lỗi lạc. Mùa xuân này, chúng tôi về thăm Quỳnh Đôi - quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để được sống trong không khí thanh bình, yên ả của làng khoa bảng từng được vinh danh trong danh sách 20 làng khoa bảng của cả nước.
Cổng làng Quỳnh Đôi |
Ngày cuối năm, trên khắp các nẻo đường ngõ xóm của làng Quỳnh đều náo nức không khí đón Tết cổ truyền. Ngay khi vào làng, ấn tượng đầu tiên trong tôi chính là cái cổng làng lừng lững uy nghi nằm trên con đường rải nhựa rộng thênh thang trông như đang đi vào một phố mới nào đó. Ngay phía bên trái cổng làng là quần thể gồm 5 lăng miếu: Bia và miếu thờ Hoàng Giáp Quỳnh quận công Hồ Phi Tích - người có công hàng đầu với làng và có công lớn với nước; bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm của Việt Nam; mộ nhà cách mạng - liệt sỹ Hồ Tùng Mậu và tượng đài anh hùng Cù Chính Lan - người làm rạng rỡ truyền thống Quỳnh Đôi, anh hùng đánh xe tăng đường số 6 trong chiến dịch Hòa Bình đông xuân 1951 - 1952.
Xã Quỳnh Đôi từ lâu đã nổi tiếng là một làng hiếu học, khoa bảng với “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”. Do ruộng đất ít, lại bị sâu úng, chua mặn nên người làng Quỳnh phải tìm nhiều nghề để sinh sống, trong đó nổi lên là “nghề học”. Với tâm niệm của người làng Quỳnh: Học trước là để tìm ít chữ thánh hiền, sau là để kiếm sống. Đa số người trong làng học nhưng không đi thi, hoặc thi đỗ nhưng không ra làm quan mà chuyển qua làm thầy đồ. Họ vừa gieo chữ vừa lượm lặt những cái hay của các vùng miền rồi đem về làm phong phú thêm bản sắc văn hóa quê mình. Lịch sử Quỳnh Đôi đã ghi lại truyền thống hiếu học, khổ học, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương của người làng Quỳnh.
Ở Quỳnh Đôi thời nào cũng sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh sĩ, những nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử đất nước, thấm sâu vào tâm thức của các thế hệ người Quỳnh Đôi cũng như người dân cả nước.
Có lẽ cả tỉnh Nghệ An không có nơi nào nhiều tiến sĩ như Quỳnh Đôi. Theo thống kê, làng Quỳnh hiện có 14 họ với 1.137 người đỗ đạt trong các kỳ thi, trong đó tiến sĩ: 12 người, phó bảng: 92 người, cử nhân: 210 người, tú tài: 823 người. Trong số này, có nhiều người giữ cương vị quan trọng trong các viện nghiên cứu, có những đóng góp không nhỏ cho nền khoa học nước nhà. Mỗi năm, xã có từ 30 - 40 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, hàng chục học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và hầu như năm nào cũng có học sinh giỏi quốc gia.
Rảo bước trên những tuyến đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, đi giữa những ngôi nhà tầng xen kẽ nhà mái ngói đỏ tươi, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay trên mảnh đất này. Ông Hồ Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: Qua gần 600 năm dựng làng, người làng Quỳnh vừa hăng hái lao động sản xuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm vừa thường xuyên chăm lo việc học hành, khoa bảng. Nhiều người con làng Quỳnh không chỉ hiếu học mà còn là tấm gương yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn…
Cảnh cũ, người xưa giờ đã đổi thay nhiều, nhưng truyền thống hiếu học ở làng Quỳnh vẫn như mạch nguồn chảy mãi. Đây là làng có nhiều người thoát ly nông nghiệp nhất, cũng là thôn đóng góp nhiều nhân tài, học sinh giỏi, nhà nghiên cứu, người hoạt động chính trị cho đất nước.
Làng Quỳnh ngày nay là sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ kính, yên bình với sự khang trang, sôi động thời hiện đại. Và hơn hết, làng Quỳnh vẫn là một làng quê mà dân cư lấy sự học làm trọng. Ở đây, các dòng họ đều có quỹ khuyến học, các bậc cha mẹ tảo tần, không ngại hy sinh để đầu tư cho tương lai, con em vượt mọi khó khăn để vươn lên học giỏi.
Hàng năm, số lượng học sinh giỏi, học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng của làng Quỳnh luôn dẫn dầu các thôn trong toàn xã. Sự học ở làng Quỳnh đã trở thành nhu cầu tự thân của các tầng lớp, thế hệ; học hành và thi cử đã trở thành truyền thống đáng tự hào và không thể thiếu của người dân nơi đây.
Chúng tôi vào nhà cụ Phan Hữu Thịnh (90 tuổi) ở xóm 4, xã Quỳnh Đôi - người đã tham gia hoàn thành 13 cuốn sách viết về Thổ Đôi trang xưa - Quỳnh Đôi nay với sự yêu kính vô bờ nơi cố thổ. Ông nguyên là chuyên viên cao cấp về lịch sử của Ban Tuyên huấn Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Cách đây hơn 20 năm, sau khi nghỉ hưu, ông rời Thủ đô về làng Quỳnh “ở ẩn”. Và trong chừng ấy thời gian, ông đã miệt mài khảo cứu, “tìm hiểu lại” văn hóa, lịch sử, con người và tự bỏ tiền lương ra in 13 cuốn sách về làng mình.
Ông Phan Hữu Thịnh và những cuốn sách của ông viết về làng Quỳnh |
Ông Phan Hữu Thịnh kể: Năm 1449, làng Quỳnh có người đầu tiên đi thi. Từ đó đến năm 1919, trong 470 năm, làng Quỳnh có 531 người đỗ tú tài, 208 cử nhân (chiếm 10 - 11% của cả tỉnh Nghệ Tĩnh). Về đại khoa (khoa thi cấp quốc gia, người dự thi đã vượt qua các kỳ thi Hương, Hội, Đình) có 4 phó bảng, 6 tiến sĩ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa, 1 bảng nhãn… Ông Thịnh cũng cho biết, ngoài những hiền tài, danh sĩ nổi tiếng như: Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương; ông Hồ Sĩ Dương (đỗ tiến sĩ năm 1652, tể tướng, được phong Thượng trụ quốc, Duệ Quận công); ông Hồ Sĩ Đống (2 lần đỗ Hoàng giáp năm 1772, giữ chức Tham sự đốc phủ sứ, có công dẹp loạn kiêu binh)…, thì không thể thống kê xuể làng Quỳnh xưa có bao nhiêu thầy đồ dạy học. Nhờ khổ học nên làng Quỳnh thời nào cũng có bậc hiền tài, danh sĩ. Chấm dứt thời khoa bảng, sau này, làng Quỳnh sản sinh nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực, như: Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Văn Như Cương…
Rời làng Quỳnh, tôi nhớ mãi câu nói của ông Hồ Quang Tuấn: “Với người dân quê tôi, sự nghiệp giáo dục không chỉ của Đảng, Nhà nước mà đó là nhiệm vụ của mỗi gia đình, dòng họ và cá nhân. Vì thế, ý thức học tập và phong trào khuyến học ăn sâu vào tâm trí từ cụ già đến các em nhỏ. Những năm qua, chúng tôi đã thực sự xây dựng được một xã hội học tập; công tác xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được đưa vào hương ước và ngày càng phát triển”.