Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/lop-hoc-tinh-nguyen-tham-tinh-huu-nghi-725219/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/lop-hoc-tinh-nguyen-tham-tinh-huu-nghi-725219/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lớp học tình nguyện thắm tình hữu nghị - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 28/02/2017, 08:05 [GMT+7]

Lớp học tình nguyện thắm tình hữu nghị

(Congannghean.vn)-Đều đặn một tuần 3 buổi, ngoài giờ học chính khóa, giáo viên và cả các bạn sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Vinh lại sắp xếp thời gian lên lớp dạy tiếng Việt cho các bạn du học sinh Lào. Từ chỗ chỉ vài người, giờ đây mô hình này đã thu hút gần 100 sinh viên tham gia, tình nguyện giúp đỡ các sinh viên Lào học tiếng Việt.

Lớp học tiếng Việt cho các sinh viên Lào được duy trì vào tối thứ 3, thứ 5 hàng tuần
Lớp học tiếng Việt cho các sinh viên Lào được duy trì vào tối thứ 3, thứ 5 hàng tuần

Ngoài công việc chuyên môn, vào tối thứ 5 hàng tuần, anh Đậu Văn Tuấn, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp Vinh lại cùng các bạn sinh viên lên lớp dạy tiếng Việt cho các sinh viên Lào đang học tập tại Trường. Trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, mỗi bạn sinh viên Việt Nam chia lớp học thành các nhóm để dạy sinh viên Lào tập đọc, tập viết.

Mặc dù là một trong những người khởi xướng mô hình này nhưng khi mới triển khai, anh Tuấn cũng gặp không ít khó khăn, trong đó bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Vì thế, bằng nhiều cách khác nhau, anh đã học tiếng Lào trước hết là để tự mình giao tiếp được với các bạn Lào, sau là cùng mọi người lên lớp để dạy các bạn tập đọc, tập viết tiếng Việt.

Để có thể giúp đỡ các sinh viên Lào, ngoài giờ học chính, sinh viên Việt Nam đã chịu khó học tiếng từ nhiều kênh khác nhau. Những ngày đầu lên lớp, họ phải nhờ đến những bạn sinh viên Lào đã thông thạo tiếng Việt làm phiên dịch cho cả hai bên. Giờ đây, mỗi buổi lên lớp sẽ có từ 10 - 15 sinh viên người Việt phụ trách hướng dẫn cho từng nhóm sinh viên Lào. Mỗi nhóm từ 3 - 5 người vừa hướng dẫn tập đọc, tập viết để các bạn thông thạo tiếng Việt. Đến thời điểm này, sau 5 tháng triển khai, hoạt động của mô hình đã đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài giờ lên lớp của các bạn sinh viên vào tối thứ 5 thì trong tuần, vào tối thứ 3, các sinh viên Lào sẽ được các thầy cô giáo phụ đạo thêm. Điều đặc biệt là những lớp học này hoàn toàn miễn phí và các giáo viên đến đây đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện. Họ đến với sinh viên bằng tình cảm chân thành và tất cả niềm say mê.

Cô giáo Trần Thị Vân, Tổ tưởng Tổ ngoại ngữ là người đã theo sát các du học sinh Lào ngay từ những ngày đầu nhập học và tạo điều kiện để hỗ trợ các em một cách tối đa. Sau khi Đoàn trường đưa ra ý tưởng, chính cô là người đề xuất nhà trường vận động giáo viên dạy phụ đạo song song với lớp của Ban chấp hành Đoàn trường. Cô đã động viên những giáo viên khác sắp xếp, bố trí thời gian để hướng dẫn, kèm cặp thêm nhằm giúp các em tiếp thu bài giảng trên lớp một cách dễ hiểu nhất và giải thích thêm các từ ngữ khó… Không phụ lòng mong mỏi của cô Vân, hiện nay có thêm 4 giáo viên nữa ngoài giờ dạy chính khóa, tối đến họ lại thay phiên nhau lên lớp say sưa giảng bài cho các bạn sinh viên Lào.

Nhờ công sức của cô và trò, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của các sinh viên Lào ngày càng được nâng lên, chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào cũng ngày càng có chất lượng. Các em đã tự tin tham gia vào các hoạt động trong trường, thậm chí có thể đi chợ, tự mua sắm…

Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Vinh có gần 60 sinh viên Lào theo học năm nhất. Trong năm đầu, các em chỉ hoàn toàn học tiếng Việt. Đây là một chương trình rất nặng đối với du học sinh, vì vậy nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học tiếng.

Cô Lê Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài buổi học của các thầy cô và Đoàn thanh niên thì tùy vào nhu cầu và yêu cầu bài giảng, các lớp sẽ tự sắp xếp, bố trí thời gian để hướng dẫn cho các bạn những từ khó. Trước khi mở các lớp học này, ngay từ đầu năm học, khi các em mới nhập học, nhà trường đã tổ chức tuần giao lưu văn hóa Việt - Lào để hai bên, nhất là các em sinh viên Lào có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người Việt; tổ chức các chuyến đi dã ngoại đến các địa danh lịch sử để các em có cơ hội làm quen, hiểu nhau hơn. Trong dịp Tết cổ truyền vừa qua, nhà trường cũng đã tổ chức xe đưa đón các em về tận nhà; liên hệ nhà xe để đón các em sang học sau kỳ nghỉ Tết”.

Với nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả cao, những sinh viên người Việt đang góp phần làm cho mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt - Lào ngày càng son sắt, thủy chung. Với mỗi sinh viên Lào đang theo học tại trường, tự bao giờ, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2.

.

Huyền Thương

.