(Congannghean.vn)-Những ngày Tết Nguyên đán, thay vì được sum vầy bên gia đình, vợ con để đón Tết đoàn viên, những người lính nơi đảo xa vẫn vững chắc tay súng, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Dù vậy, Tết ở Trường Sa của những người lính Hải quân vẫn ấm áp, trọn vẹn khi có bánh chưng xanh, thịt lợn và đầy đủ hương vị trong ba ngày Tết như ở đất liền.
Hải trình đến với Trường Sa
Những ngày cuối năm, theo chân Đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân Việt Nam), chúng tôi có mặt trên chuyến tàu HQ936 ra các đảo Trường Sa chúc Tết CBCS và nhân dân đang công tác, làm nhiệm vụ và sinh sống tại đây. Tàu HQ936 mà phóng viên Báo Công an Nghệ An có mặt, hải trình qua các đảo: Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan và Phan Vinh, với hành trình suốt 23 ngày đêm.
Đảo chìm Đá Lớn - một trong những điểm đảo đón Tết Đinh Dậu sớm ở Trường Sa |
16 giờ ngày 20/12/2016, sau hồi còi dài báo hiệu, tàu HQ936 rời cầu cảng số 4, để lại sau lưng những cánh tay của người ở lại đầy lưu luyến rồi nhằm thẳng hướng Trường Sa rẽ sóng ra khơi trong điều kiện mưa to, gió lớn. Sau hơn 40 giờ lênh đênh trên biển, đến khoảng 8 giờ ngày 22/12, những hình ảnh đầu tiên về 3 điểm đảo A, B và C, thuộc đảo chìm Đá Lớn đã xuất hiện. Quên hết mọi mệt nhọc trên suốt chuyến hành trình, anh em báo chí lẫn CBCS ùa cả lên boong tàu. Thời tiết lúc này cũng khá thuận lợi, những tia nắng đầu tiên đã chọc thủng tầng mây đen kịt, hân hoan vẫy chào Đoàn công tác ra với đảo xa.
Sau hơn 2 ngày đêm mất liên lạc hoàn toàn, lúc này điện thoại cũng đã bắt đầu có sóng. Chiếc ca nô của đảo Đá Lớn B đã cập mạn thuyền để bắt đầu vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm từ đất liền gửi ra. Niềm phấn chấn, sự háo hức đã đánh tan mọi mệt nhọc, anh em trên tàu bắt đầu hỏi han, tìm hiểu quê quán, động viên nhau lên đường làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng trong đời lính. Ở Vùng 4 Hải quân, tôi bắt gặp rất nhiều người lính có quê gốc xứ Nghệ, trong đó có nhiều người là tân binh, nhưng cũng có nhiều người đã từng đón Tết rất nhiều lần ở Trường Sa.
Thượng úy Nguyễn Văn Lợi (SN 1976) quê xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), biên chế Lữ đoàn 146 Hải quân Vùng 4, có mặt trên chuyến tàu HQ936 ra đảo Trường Sa chúc Tết CBCS và nhân dân sinh sống, làm việc trên đảo cho biết, đây là lần thứ 8 anh ra Trường Sa đón Tết. Lần công tác này là lần thứ 3 anh đón Tết trên đảo Sinh Tồn Đông và Tết Nguyên đán năm nay là năm thứ 2 liên tiếp, anh đón Tết ngoài đảo xa. Trước đó, Thượng úy Lợi đã cùng với các đồng đội đón giao thừa giữa mênh mông trời biển tại các đảo: Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn Lớn và Sơn Ca.
“Tết của lính đảo Trường Sa cũng có bánh chưng, thịt lợn như trên đất liền. Anh em mua thêm gà, vịt và rau xanh để cải thiện. Trên đảo, tình cảm anh em rất thân thiết và ân tình, thứ duy nhất thiếu là tình cảm gia đình, song tình đồng đội đã sưởi ấm và xua tan cảm giác trống vắng đó. Tết trên đảo cũng đủ đầy như ở đất liền vậy”, Thượng úy Lợi tâm sự.
Trong khi đó, với người lần đầu tiên ra đảo và đón Tết ở nơi mênh mông sóng nước như Thượng úy Nguyễn Trần Giang (SN 1986) quê xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thì nỗi háo hức đan xen với sự hồi hộp, bâng khuâng. Anh Giang bảo, là lính Hải quân, ai cũng trải qua nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong đời, ấy là khoác súng trên vai, đứng canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Nỗi bịn rịn mà Giang cũng như bao người lính Hải quân khác, trước khi ra với biển đảo quê hương là nỗi nhớ thương dành cho người vợ trẻ và đứa con thơ mới hơn 5 tuổi ở quê nhà Hà Tĩnh. “Trước ngày lên tàu ra với biển đảo, em xin phép đơn vị về quê để sửa sang lại mái nhà tranh dột nát sau mưa bão, để yên tâm vững chắc tay súng trong suốt 12 tháng phía trước. Lần đầu tiên đón giao thừa trên đảo, cảm giác của em cũng như nhiều chiến sỹ trẻ rất háo hức và hồi hộp”, Thượng úy Giang chia sẻ.
Tết ở Trường Sa
Đại úy Lê Văn Dũng, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Lớn (điểm đảo B) cho biết, đối với người lính làm nhiệm vụ canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, năm nào Tết cũng đến sớm hơn so với trên đất liền. Cứ độ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, CBCS trên đảo Đá Lớn nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung lại chộn rộn, ngóng tin những chuyến hải trình đến từ đất liền, mang theo quà chúc Tết của các cơ quan, tổ chức và tấm lòng của nhân dân khắp nơi trong cả nước gửi ra biển đảo. Những cuộn lá dong, những chú lợn được chăm bẵm cả năm, nay lên tàu ra với đảo xa, chở theo những tâm tư, tình cảm của đất liền với hải đảo xa xôi.
CBCS Trường Sa nhận quà chúc Tết sớm được gửi ra từ đất liền |
Cũng dịp này, những người lính đảo đã làm nhiệm vụ canh giữ biển trời nơi tuyến đầu của Tổ quốc suốt 365 ngày qua, nay lại có dịp háo hức được trở về đất mẹ, đón Tết với gia đình sau một năm dài nơi đầu sóng ngọn gió.
Trở lại với câu chuyện ăn Tết trên đảo của người lính Hải quân, từ đầu tháng 12 âm lịch, việc trang trí bàn thờ đón Tết đã được các điểm đảo tổ chức. Với quan điểm, vừa làm thế nào để tổ chức cho anh em CBCS đón Tết, vui xuân đầm ấm, không gợi cảm giác trống vắng khi ăn Tết xa gia đình, nhưng cũng luôn đảm bảo chắc tay súng, sẵn sàng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Với lính ở đảo xa, Tết ngoài việc tổ chức gói bánh chưng, mổ lợn gà chào năm mới, các hoạt động vui chơi giải trí như hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được các điểm đảo tổ chức rất chu toàn.
Ngoài ra, ngày đầu năm, tại một số đảo như Phan Vinh, Trường Sa Lớn… còn tổ chức cho CBCS vãn cảnh chùa, hái lộc cầu may đầu năm. Ở một số đảo khác gần với Gạc Ma như Cô Lin, Len Đao thì ngày đầu năm còn tổ chức lễ tưởng niệm những chiến sỹ đã ngã xuống vì chủ quyền của dân tộc.
Có thể nói, hải trình 23 ngày lênh đênh trên biển cùng với Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, chúc Tết CBCS tại quần đảo Trường Sa trong những ngày áp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 thực sự là một chuyến trải nghiệm quý giá. Tết đến, xuân về với người lính đảo là khoảng thời gian hội tụ đầy đủ những cung bậc xúc cảm của con người, niềm hân hoan năm mới của những người lính giữ đảo, sự bịn rịn chia tay của người rời xa sau bao tháng năm lưu luyến; là sự quyết tâm gạt đi nỗi niềm riêng để vững tay súng giữ trọn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Điều mà chúng tôi đúc kết được khi cùng các anh đón giao thừa trên đảo xa, ấy là sự quyết tâm của mỗi CBCS, vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ. Vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các anh - những người lính Hải quân - sẵn sàng hiến dâng và hy sinh tuổi thanh xuân vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Với các anh, mùa xuân nơi đảo xa chính là chủ quyền, lãnh thổ của quê hương, đất nước luôn được giữ vững, vẹn toàn. Ấy là mùa xuân đủ đầy và viên mãn nhất trong trái tim của mỗi người chiến sỹ Hải quân Việt Nam.