(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Với nhiều đổi mới trong cách tổ chức thi, hình thức thi, đề thi, tuyển sinh..., Dự thảo đang nhận được sự quan tâm của các giáo viên, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.
Theo Dự thảo của Bộ GD&ĐT công bố, kỳ thi năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh trao đổi ngoài giờ tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 |
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
Một điểm mới nữa đó là các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT là thay đổi theo hướng tích cực và đúng lộ trình đổi mới về thi cử trong những năm tới. Tuy nhiên, trước những thay đổi bao giờ cũng có những luồng ý kiến khác nhau. Với nhiều thay đổi trong cách tổ chức thi, hình thức thi mà Dự thảo đưa ra đã gây băn khoăn, lo lắng cho cả giáo viên lẫn học sinh và phụ huynh khi mà kỳ thi THPT quốc gia mới thay đổi và áp dụng 2 năm trở lại đây.
Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) cho biết: Sau khi công bố Dự thảo, nhà trường cũng đã thăm dò ý kiến và có cuộc trao đổi bên lề với các giáo viên, học sinh. Qua đó, học sinh, phụ huynh bày tỏ băn khoăn về tổ chức các môn thi tổ hợp theo môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội; tổ chức xét tuyển theo tổ hợp môn hay theo từng môn học và các phương án xét tuyển của các trường ĐH.
Nhà trường cũng đã khuyên phụ huynh và các em tìm hiểu kỹ Dự thảo vì về cơ bản thì bản chất kỳ thi không có gì thay đổi, thậm chí là kỳ thi sẽ được rút gọn hơn, giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Nhà trường mong muốn Bộ sớm có văn bản chính thức và các đề thi minh họa để các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn thi cũng như học sinh làm quen với cách ra đề thi.
Lo lắng nhất trước những thay đổi này chính là các em học sinh, nhất là học sinh lớp 12 khi chỉ chưa đầy 1 năm nữa các em sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Em Trần Mai Sương, học sinh Trường THPT Thái Hòa cho biết: “Vẫn là nội dung, kiến thức đó nhưng sự thay đổi này khiến em rất bất ngờ và lo lắng, nhất là về hình thức thi trắc nghiệm môn Toán. Trong vòng 90 phút, liệu bọn em có đủ thời gian để lập luận, tính toán và tìm ra được đáp án đúng hay không”.
Sự thay đổi về hình thức thi trắc nghiệm các môn thi (trừ Ngữ Văn) cũng gây lo lắng cho nhiều học sinh. Một thầy giáo của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh) cho biết: Đối với một số môn thi trắc nghiệm sẽ làm mất khả năng tư duy, lập luận logic của học sinh. Nếu công tác tổ chức thi không tốt sẽ không phản ánh đúng thực chất quá trình học tập của học sinh nhằm đảm bảo sự công bằng cho các em, nhất là đối với những học sinh có năng lực thực sự.