Văn hóa - Giáo dục

Đền thờ tướng quân Bùi Cảnh Khánh và văn hóa của một dòng họ

08:12, 25/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Một trong những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu nhất của các dòng họ người Việt là ý thức hướng về nguồn cội như nội dung câu ca thường được mở đầu trong các bản tộc phả: “Cây có gốc mới thắm cành xanh lá/ Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu”; “Nhân sinh do tiên tổ, uống nước nhớ nguồn”. Và, dòng họ Bùi Quốc ở thôn Đông Đoài, xã Đức La, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những dòng họ tiêu biểu về truyền thống tốt đẹp đó.

Từ đền thờ tướng quân Bùi Cảnh Khánh

Theo giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã Đức La, chúng tôi về thăm Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Nhà thờ Tiến sĩ, tướng quân Bùi Cảnh Khánh ở thôn Đông Đoài. Bên ngôi nhà thờ cổ kính, các cụ trong Hội đồng gia tộc họ Bùi niềm nở tiếp chúng tôi, tự hào giới thiệu về nhà thờ và sự hình thành, phát triển của dòng họ.

 Đền thờ Tiến sĩ Bùi Cảnh Khánh
Đền thờ Tiến sĩ Bùi Cảnh Khánh

Di tích nhà thờ họ Bùi gắn liền với Tiến sĩ, tướng quân Bùi Cảnh Khánh. Sự nghiệp của ông gắn liền với Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng lĩnh Lam Sơn đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho dân tộc. Nhà thờ và mộ của ông được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006. Đây cũng là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị tiên tổ họ Bùi Quốc.

Bùi Cảnh Khánh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học, học tài hiểu rộng nên đậu Tiến sĩ thời Lê. Ông làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư dưới thời Bình Định Vương Lê Lợi. Sau đó trấn thủ thành Lục Niên (núi Thiên Nhẫn). Nơi đây là tiền đồn của nghĩa quân Lam Sơn ở thế kỷ XV do tướng Đinh Lễ trấn giữ.

Trong một lần nghĩa quân Lam Sơn giao chiến với quân Minh, Bình Định Vương Lê Lợi bị giặc vây ráp, các tướng lĩnh của nghĩa quân bị thất lạc. Vâng lệnh của vua cử tướng công Bùi Cảnh Khánh, cầm quân tiến đánh giặc Minh do tướng Trương Phụ trấn giữ trong thành Rum. Sau khi thất trận, cả người lẫn ngựa chết trong thành và được chôn cất tại chỗ. Cũng có tư liệu cho rằng, sau khi đánh đuổi giặc Minh xâm lược, Bùi Cảnh Khánh trấn giữ được một thời gian rồi mất.

Sau khi ông mất, triều đình phong kiến nhà Lê liệt ông vào hàng ngũ các danh thần tiết nghĩa có công đánh giặc giữ nước và được phong là Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu. Vì có công với dân với nước nên triều đình phong kiến nhà Lê phong sắc thần cho ngài là Thành hoàng làng để phụng sự.

Với những đóng góp của tướng quân Bùi Cảnh Khánh, ngày 18/1/2006, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đền thờ Bùi Cảnh Khánh là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với sự kiện này, nhà thờ Bùi Quốc tiếp tục được tôn vinh và gìn giữ, phát huy giá trị to lớn trong giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân trong xã nói chung và con cháu dòng họ Bùi nói riêng.

...Đến văn hóa dòng họ

Cụ Bùi Văn Ninh, Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết, dòng họ Bùi Quốc được hình thành từ thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, đến nay đã trở thành một dòng họ lớn, phát triển đến đời thứ 14, tổng cộng có khoảng trên 300 hộ, con cháu sinh sống và làm việc ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài.

Hiện, dòng họ có 3 tiến sĩ, nhiều thạc sĩ và hơn 100 con, cháu trong dòng họ có trình độ đại học. Trong đó, nhiều người hoạt động trong lực lượng vũ trang nhân dân và được cấp hàm tướng, tá. Dù công tác ở bất cứ nơi đâu, những người con của dòng họ luôn hướng về cội nguồn.

Để phát huy truyền thống hiếu học của gia tộc, Hội đồng gia tộc đã lập quỹ khuyến học, khuyến tài. Vào dịp đầu năm học mới hàng năm đều tổ chức tuyên dương, phát thưởng động viên các cháu học sinh giỏi và thi đỗ đại học, cao đẳng.

Một điều đáng ghi nhận của dòng họ Bùi Quốc là trong dòng họ không có con cháu mắc tệ nạn xã hội, hơn 90% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Các gia đình trong dòng họ đều tích cực góp sức xây dựng quê hương, đóng góp hàng tỉ đồng xây dựng đường giao thông, cổng làng, nhà văn hóa thôn.

Hoàng Xuân Lý

Các tin khác