Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201607/van-hoa-hoc-duong-can-su-chung-tay-cua-gia-dinh-nha-truong-va-xa-hoi-689015/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201607/van-hoa-hoc-duong-can-su-chung-tay-cua-gia-dinh-nha-truong-va-xa-hoi-689015/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 18/07/2016, 10:49 [GMT+7]
Văn hóa học đường

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

(Congannghean.vn)-Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có hoài bão, ý tưởng tốt đẹp. Đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các trường học. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề đạo đức học đường của một bộ phận học sinh đang bị xuống cấp, đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thực trạng

Văn hóa học đường là một khái niệm rộng, xuất hiện đã khá lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hiện nay vẫn chưa có tài liệu chính thống nào đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh.

Vẫn còn nhiều học sinh thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT
Vẫn còn nhiều học sinh thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc thì văn hóa học đường là văn hóa trong các trường học, là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân và mang bản sắc chung của nền văn hóa dân tộc. Cụ thể hơn, văn hóa học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên (HSSV) có cách thức, suy nghĩ, tình cảm và hành động đẹp.

Hiện nay, sự tác động của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tầng lớp thanh, thiếu niên, nhất là HSSV. Thực trạng HSSV vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng  nhiều, gây bức xúc cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong năm 2015, Công an TP Vinh đã khởi tố 15 vụ, 31 đối tượng là giáo viên, HSSV về các hành vi cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc; xử lý 956 trường hợp HSSV vi phạm trật tự ATGT.

Bên cạnh đó, tình trạng HSSV đánh bạc, lô đề, cá độ bóng đá; từ đó nảy sinh nợ nần, cắm thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân để vay mượn tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” núp bóng hoạt động cầm đồ đang ngày càng gia tăng. Nhiều HSSV phải bỏ học vì không có khả năng trả nợ, gây hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường xảy ra khá nhiều, tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Những vụ bạo lực học đường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lệch chuẩn trong đạo đức lối sống, nhân cách của lớp trẻ hiện nay.

Thực tế cho thấy, văn hóa ứng xử giữa học trò với nhau ngày nay phần nào làm giảm sự hồn nhiên, lành mạnh. Tình trạng kết bè kết phái tạo thành các “nhóm” là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

Hiện nay, chúng ta thường xuyên chứng kiến nhiều vụ việc như: Nam sinh ẩu đả, nữ sinh gây gổ đánh nhau, học sinh chặn đánh thầy giáo... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trên thường rất nhỏ nhặt: Chỉ vì nghe phong thanh mình bị nói xấu, va chạm nhỏ trong lớp, ghen tuông vớ vẩn, do lười học, bất mãn khi nghe thầy cô khiển trách… Những vụ ẩu đả thường diễn ra bên ngoài cổng trường nên ít được báo cáo với lãnh đạo nhà trường. Thường chỉ lan truyền trong giới học sinh với nhau, một số học sinh là nạn nhân của vụ việc, vì xấu hổ nên không báo cáo hành vi sai trái của bạn.

Sở dĩ nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, một phần xuất phát từ sự vô cảm của người lớn, khi thấy HSSV đánh nhau không những không can ngăn mà ngược lại còn bàng quan, thờ ơ, lạnh lùng; trong khi nhà trường chỉ chịu trách nhiệm về hành vi của học sinh bên trong khuôn viên trường học, còn những gì diễn ra bên ngoài cổng trường thuộc về xã hội.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, hình thành văn hóa giao thông cho HSSV vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng học sinh đi xe dàn hàng ba, hàng tư, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm vẫn thường xuyên xảy ra. Cùng với đó, vấn đề mất an toàn an ninh trường học đang là nỗi lo lắng của không ít bậc phụ huynh và HSSV.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Môi trường sống đã tác động đến nhận thức của lứa tuổi vị thành niên. Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với sự xuất hiện của mạng xã hội facebook, phim ảnh, các trò chơi bạo lực trên internet đã ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của các em.

Hiện nay, các trò chơi dân gian, các cuộc dã ngoại... đã không còn hiệu quả dưới cái nhìn của một bộ phận giới trẻ. Không nhận thức, phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, ứng xử chưa đúng với môi trường sư phạm... đã gây ảnh hưởng lớn đến văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Giải pháp

Để nâng cao văn hóa học đường, trước hết phải xây dựng được một môi trường học đường lành mạnh, trong đó, giáo viên phải là tấm gương sáng cho HSSV học tập và noi theo, tạo nên mối quan hệ tốt giữa thầy và trò. Đó là quan hệ đúng mực, xác định đúng vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc dạy chữ và dạy người. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được triển khai thường xuyên, liên tục.

Về vấn đề bạo lực học đường, những năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã phối hợp với Công an tỉnh ban hành các kế hoạch, giao ban các cụm an ninh trường học. Ngoài ra, phối kết hợp với các ban, ngành chỉ đạo các đơn vị trường học trong công tác đảm bảo ANTT.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tìm giải pháp nâng cao văn hóa học đường như việc siết chặt kỷ luật trường học, tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi bổ ích cho các em tham gia học tập, học hỏi kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong học đường, kỹ năng tự học của sinh viên, phát động các phong trào, ý thức giữ gìn trường lớp sạch đẹp, văn minh lịch sự, không xả rác bừa bãi… Ban hành các quy định, thể chế liên quan đến văn hóa học đường như xếp loại hạnh kiểm, có hình thức kỷ luật, khen thưởng kịp thời…

“Làm tốt công tác tư tưởng để giáo viên, HSSV hiểu rõ văn bản pháp luật là yếu tố đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, ngoài ý thức của các em là sự chung tay, góp sức của gia đình, nhà trường, và xã hội”, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết thêm.

.

Phan Tuyết

.