Văn hóa - Giáo dục

Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ trong trường học

Sao cho xứng tầm di sản

08:57, 17/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau hơn 1 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chính quyền, ngành văn hóa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm. Trong đó, việc đưa dân ca vào giảng dạy trong trường học là giải pháp quan trọng và khả thi, bởi trường học là nơi có khả năng truyền dạy dân ca một cách có hệ thống và bài bản. Trao truyền dân ca cho thế hệ trẻ chính là đảm bảo tính bền vững, lâu dài cho sự trường tồn của dân ca ví, giặm.

NSND Hồng Lựu và các em học sinh biểu diễn dân ca ví, giặm tại lễ vinh danh dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
NSND Hồng Lựu và các em học sinh biểu diễn dân ca ví, giặm tại lễ vinh danh dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại Hội thảo khoa học “Đưa dân ca ví, giặm vào trường học” được tổ chức vào cuối tháng 5/2016 tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Nghệ An, đã có 18 báo cáo của các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ nhân và các trường học đưa ra thảo luận về thực trạng cũng như giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm thông qua việc đưa dân ca ví, giặm vào trường học. Cho thấy, vấn đề này nhận được rất nhiều sự quan tâm của 2 ngành văn hóa và giáo dục.

Trên thực tế, dân ca ví, giặm đã được đưa vào trường học từ những năm 1999 và đạt một số kết quả nhất định. Theo đó, dân ca ví, giặm được đưa vào dạy học ở các trường trên địa bàn; tổ chức các hội thi hát dân ca ví, giặm trong HSSV...

Bên cạnh đó, dạy hát dân ca ví, giặm cũng là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua được ngành giáo dục đề ra. Nhờ đó mà hầu hết học sinh đều có khả năng hát các làn điệu cơ bản của dân ca ví, giặm và ý thức được vai trò, giá trị của làn điệu quê hương; qua đó thổi bùng lên ngọn lửa đam mê với dân ca ví, giặm và có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên trên thực tế, dân ca ví, giặm vẫn chưa thực sự được đưa vào giảng dạy chính thức trong các nhà trường, chưa được lồng ghép vào dạy chính thức trong môn Âm nhạc ở bậc Tiểu học và THCS và không có trong chương trình chính khóa nên giáo viên rất khó khăn trong việc bố trí thời gian cho việc truyền dạy.

Sau khi được UNESCO vinh danh, UBND tỉnh đã phê duyệt và giao cho Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy, học tập dân ca trong trường học”, với mục đích biên soạn chương trình và tài liệu giảng dạy cho các cấp học từ bậc mầm non cho đến THCS.

Quá trình thực hiện, Trường đã tổ chức khảo sát trong học sinh và kết quả cho thấy, số học sinh chưa hát được hoặc hát nhầm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh còn phổ biến với tỉ lệ 81,1%; biết hát 1 làn điều chiếm tỉ lệ 11,1%; biết hát 2 làn điệu chiếm tỉ lệ 5% và biết hát trên 2 làn điệu chiếm tỉ lệ thấp nhất với 2,8%.

Điều này cho thấy, vấn đề đưa dân ca ví, giặm vào trường học vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra cho những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy phải có những giải pháp tích cực và hiệu quả hơn để giúp học sinh có những hiểu biết nhất định cũng như cảm nhận được cái hay, cái đẹp của dân ca ví, giặm, đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại Hội thảo khoa học “Đưa dân ca ví, giặm vào trường học” đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến công tác giảng dạy dân ca còn gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ; đội ngũ giáo viên dạy dân ca ví, giặm còn hạn chế về số lượng; sách giáo khoa, giáo trình đưa dân ca vào trường học còn ít.

Bên cạnh đó, tài liệu dân ca xứ Nghệ chưa được biên soạn và phát hành trong chương trình giáo dục dẫn đến việc mỗi địa phương dạy một kiểu, biết đến đâu dạy đến đó nên đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc rất lúng túng trong việc tìm kiếm nội dung dân ca xứ Nghệ để đưa vào giảng dạy cho học sinh.

Hội thảo đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, trong đó Sở GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo công tác đưa dân ca vào giảng dạy trong trường học; Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xây dựng, soạn thảo chương trình giảng dạy.

Quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài “Nghiên cứu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy, học tập dân ca trong trường học”, với lợi thế cơ bản về năng khiếu và niềm đam mê nghệ thuật của sinh viên, Trường đã đạt được một số kết quả nhất định.

Ông Phan Mậu Cảnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu giá trị cơ bản của dân ca ví, giặm và đang tiến hành biên soạn nội dung để năm 2017 có thể đưa dân ca ví, giặm vào giảng dạy trong trường học một cách bài bản và có hệ thống.

Xung quanh vấn đề này, Trường đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho việc nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và đội ngũ giáo viên. Để việc giảng dạy dân ca hiệu quả, nội dung chương trình giảng dạy phải phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp nhận của từng đối tượng.

Trên cơ sở bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, Trường đề xuất lồng ghép và đưa chương trình giảng dạy dân ca vào nhà trường một cách hợp lý, phù hợp với phân phối chương trình của Bộ, đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa các bậc học.

Trên thực tế, không phải học sinh không có niềm đam mê với dân ca xứ Nghệ mà các em chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu những làn điệu dân ca quê hương. Điều quan trọng của việc đưa dân ca xứ Nghệ vào trường học là làm sao để thế hệ trẻ thấu hiểu nguồn gốc, giá trị to lớn của di sản văn hóa của dân tộc. Có như vậy mới nâng cao được nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các em trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của ông cha để lại. Và, nếu dân ca ví, giặm sớm được truyền dạy trong trường học một cách chính thống thì việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm trong thế hệ trẻ sẽ phát huy được tác dụng.

Huyền Thương

Các tin khác