Văn hóa - Giáo dục

Người làm sống lại ký ức hào hùng

08:42, 14/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hàng trăm kỷ vật chiến tranh đã được ông lưu giữ cẩn thận trong “bảo tàng” của gia đình để nhắc nhở, giáo dục các thế hệ con cháu về truyền thống cách mạng của dân tộc. Hơn 30 năm nay, ông Võ Văn Hoan ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã say mê sưu tầm những kỷ vật để làm sống lại ký ức hào hùng của một thời hoa lửa...

Say mê sưu tầm kỷ vật

Dù đã chạm tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trí tuệ của ông Võ Văn Hoan vẫn còn minh mẫn. Với tâm niệm lưu giữ những kỷ vật từng gắn bó với thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để gìn giữ nền hoà bình, độc lập của dân tộc, ông đã bỏ công sức và tiền của rong ruổi từ Bắc vào Nam để sưu tầm. Trong tư gia của gia đình ông có không ít kỷ vật quý giá đến nay vẫn còn sống mãi với thời gian...

Ông Võ Văn Hoan giới thiệu về những kỷ vật chiến tranh được lưu giữ trong khuôn viên tư gia của mình.
Ông Võ Văn Hoan giới thiệu về những kỷ vật chiến tranh được lưu giữ trong khuôn viên tư gia của mình.

Từng là một người lính nên ông Hoan thấu hiểu sự hy sinh, mất mát, đau thương của nhân dân. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1977), ông trở về góp sức xây dựng quê hương. Đầu năm 1978, Võ Văn Hoan trở thành cán bộ của Ty Ngoại thương Nghệ Tĩnh và làm việc tại đây cho đến khi nghỉ hưu.

“Từ khi nghỉ hưu đến nay, tôi dành nhiều thời gian để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh như mảnh bom bi, mũ tai bèo, bộ đàm của quân giải phóng, lá thư thời chiến… Nghe tin người dân ở đâu phát hiện kỷ vật chiến tranh là tôi lại vác ba lô đi đến tận nơi để sưu tầm. Tôi muốn những kỷ vật này được lưu giữ cẩn thận để con cháu mai sau hiểu hơn sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông đi trước”, ông Hoan tâm sự.

Cũng bởi thế mà hơn 30 năm qua, ông luôn nhen nhóm ý tưởng lưu giữ một “bảo tàng” về những kỷ vật chiến tranh.

“Bảo tàng” của khát vọng hoà bình

Năm nay, ông Võ Văn Hoan đã bước sang tuổi 66 nhưng đã hơn 30 năm, ông dành thời gian để sưu tầm những kỷ vật ẩn chứa hình hài của quê hương, đất nước. Hàng trăm chứng tích chiến tranh được ông nâng niu, cất giữ mỗi ngày, từ tấm áo của người mẹ quá cố gắn huân, huy chương đủ loại, chiếc bi đông đa dụng do Liên Xô sản xuất mà bộ đội ta sử dụng trong lúc hành quân chiến đấu, cho đến mảnh bom bi của quân đội Mỹ thả xuống mảnh đất Việt Nam đã sát hại không ít đồng bào vô tội...

Vẫn còn đó viên gạch được ông lấy từ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao lớp người đã ngã xuống. Với những kỷ vật chiến tranh được ông lưu giữ trong gia đình mình, chỉ cần một lần nhìn thoáng qua, ai cũng có thể dễ dàng hình dung những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, ông Hoan kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của mỗi kỷ vật với niềm say mê bất tận. Ông bảo, cái quý giá nhất trong cuộc đời mình là những gì bản thân đã lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Ông cũng mong muốn các thế hệ mai sau hãy biết quý trọng, gìn giữ những giá trị mà cha ông đã hy sinh xương máu để mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngọc Thái

Các tin khác