Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201606/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-ngoai-ngu-684325/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201606/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-ngoai-ngu-684325/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 24/06/2016, 11:45 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ

(Congannghean.vn)-Sau 5 năm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020” của UBND tỉnh, đến nay, việc dạy và học Ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do đặc thù là địa bàn rộng, dân số đông, sự chênh lệch vùng miền rất lớn Ngoại ngữ đại trà còn rất nhiều hạn chế, việc thực hiện các hoạt động của Đề án gặp khá nhiều khó khăn.

Năm 2010, UBND tỉnh ban hành Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020” với mục đích đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện.

Chương trình Tiếng Anh 10 năm vẫn chưa được triển khai ở các trường học vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa
Chương trình Tiếng Anh 10 năm vẫn chưa được triển khai ở các trường học vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Từ năm học 2011 - 2012, việc tổ chức dạy và học môn tiếng Anh chính thức cho học sinh cấp tiểu học theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai ở các trường học.

Chương trình thí điểm tiếng Anh 10 năm cũng bắt đầu thực hiện ở một số trường THCS và THPT trên địa bàn. Môn Ngoại ngữ trở thành môn học chính trong chương trình giáo dục. Nhiều năm liền, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi.

Tại Nghệ An, 5 năm liền, Ngoại ngữ được chọn là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Điều này phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay và không nằm ngoài dự đoán của nhiều trường và các em học sinh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có hứng thú với môn học này, nhất là học sinh vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vì nhiều em không có điều kiện tiếp cận với môn học này một cách toàn diện.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014 - 2015 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 30.000 thí sinh dự thi. Thế nhưng, tỉ lệ thí sinh có điểm trung bình môn Ngoại ngữ từ 5 trở lên chỉ chiếm hơn 11%. Hơn một nửa trong tổng số hơn 1.000 thí sinh trượt tốt nghiệp là do bị “điểm chết” môn Ngoại ngữ.

Theo kết quả kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Nghệ An năm 2016 mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố, năm nay, toàn tỉnh có 30.881 thí sinh dự thi thì có tới 19.874 thí sinh bị điểm dưới 5 ở môn Ngoại ngữ, trong đó cá biệt có một vài thí sinh “dính” điểm 0.

Để nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ, Sở GD&ĐT đã có nhiều đổi mới trong việc dạy và học, trong đó hướng đến việc để học sinh chủ động tìm hiểu, trao đổi và tiếp nhận kiến thức. Nhờ đó, chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ được nâng lên đáng kể, nhất là chất lượng mũi nhọn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở tỉnh ta vẫn còn thấp và chưa đồng đều.

Theo số liệu thống kê cuối năm 2015, ở bậc tiểu học, có 378/542 trường thực hiện việc dạy theo chương trình mới (chương trình tiếng Anh 10 năm từ lớp 3). Đối với bậc THCS và THPT, số trường dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm cũng chưa đến 100 trường.

Ông Phan Chí Nghĩa, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ở cấp tiểu học, việc triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm đã được áp dụng ở tất cả các huyện trên địa bàn, nhưng vẫn chưa được triển khai ở nhiều trường thuộc vùng miền núi. Nguyên nhân chính là số lượng giáo viên đạt chuẩn năng lực để dạy chương trình sách giáo khoa thí điểm còn thấp.

Hiện nay, định biên về giáo viên Ngoại ngữ tiểu học đảm bảo yêu cầu, quy định về năng lực Ngoại ngữ còn thiếu, giáo viên biên chế của toàn tỉnh hiện chỉ có 321 người, hợp đồng 186 người. Hiện, các trường chỉ dạy học 1 buổi/ngày nên không đủ thời gian để triển khai. Sách giáo khoa, tài liệu dạy học chú trọng vào hình ảnh, các hoạt động, phương tiện nghe và nói còn thiếu nên không phát huy hết tác dụng của giáo trình.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo sân chơi để các em học tập và trau dồi kỹ năng giao tiếp còn nhiều hạn chế.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, qua đó từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, Sở GD&ĐT đã đưa ra những giải pháp cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó giáo viên được xác định là yếu tố quyết định thành công của việc triển khai các nhiệm vụ đề án.

Theo đó, hiện, Sở GD&ĐT đã có kế hoạch phối hợp với một trường ĐH có uy tín tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực ngôn ngữ giảng dạy dựa trên kỳ thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tiến hành đánh giá chất lượng giảng dạy để đầu tư triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm ở các trường đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và chất lượng giáo viên.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học Ngoại ngữ; đẩy mạnh việc tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động học trực tuyến; xây dựng Đề án “Tăng cường dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020” để đưa giáo viên người nước ngoài (các tình nguyện viên) tham gia quá trình giảng dạy để trau dồi và nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp.

.

Huyền Thương

.