(Congannghean.vn)-Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức hàng năm nhằm tuyển chọn những học sinh có đủ điều kiện học lực tiếp tục học lên bậc THPT sau khi đã hoàn thành chương trình học ở bậc THCS. Việc đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đầu vào của các trường THPT, đảm bảo sự công bằng cho các học sinh; đồng thời, chất lượng của kỳ thi cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” về sau.
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi phong trào “hai không” chưa được phát động, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức ở nhiều địa phương nhưng chưa thực sự an toàn, nghiêm túc nếu như không muốn nói là khá lộn xộn. Sau khi phong trào “hai không” được phát động, khâu tổ chức các kỳ thi đã được cải thiện đáng kể.
Công tác coi thi cần được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh |
Đặc biệt, ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không còn cảnh lộn xộn như trước, kỷ luật trong và ngoài phòng thi được siết chặt hơn, chất lượng của kỳ thi cơ bản được đảm bảo. Thậm chí, có người còn so sánh mức độ an toàn, nghiêm túc của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, dù được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhưng sau khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 kết thúc, vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, bày tỏ băn khoăn về tình trạng vi phạm quy chế ở một số điểm thi. Đó là tình trạng “trong lỏng ngoài chặt”, mức độ nghiêm túc giữa các phòng thi không giống nhau.
Vì thiếu giám thị, nhiều điểm thi đã phải huy động các giáo viên THCS làm nhiệm vụ coi thi. Do không được thường xuyên cọ xát, rèn luyện nghiệp vụ coi thi ở những kỳ thi có quy mô lớn, một số giáo viên còn mang tâm lý “coi thi hộ” nên đã xảy ra hiện tượng làm việc không “đều tay” giữa các giám thị.
Đặc thù ở bậc THPT phân ra hai loại hình là trường công lập và ngoài công lập. Trong đó, các trường công lập thường có môi trường học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục cao hơn, trong khi học phí và các khoản đóng góp khác lại thấp hơn.
Cũng bởi những lý do này mà điểm trúng tuyển đầu vào của các trường công lập thường cao hơn các trường ngoài công lập. Với tâm lý muốn giành cho con một “suất” ở các trường công lập, một số phụ huynh đã tìm cách tiếp cận để “nhờ cậy” giám thị vốn là những giáo viên có quen biết đang giảng dạy ở các trường trên cùng địa bàn.
Vì thế đã xảy ra tình trạng giám thị vì “cả nể” mà nhận lời giúp đỡ, “tạo điều kiện” bằng cách coi thi “thoáng” hơn cho thí sinh làm bài. Hệ quả kéo theo là sự mất công bằng giữa các thí sinh dự thi, chất lượng đầu vào của các trường THPT bị ảnh hưởng. Các trường “tốp đầu” không tuyển hết được những học sinh có đủ trình độ, năng lực. Bên cạnh đó còn phát sinh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Nhằm hướng tới mục tiêu tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực sự “sạch”, thời gian qua, hội đồng tuyển sinh ở các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa tiêu cực như: Thống nhất về giấy thi, giấy nháp, màu mực trên bài thi của thí sinh; không bố trí coi thi đối với giáo viên dạy bộ môn trùng với môn thi; các giám thị không coi thi quá một lần/phòng thi; đầu mỗi buổi thi, tiến hành cho giám thị bốc thăm phòng thi ngẫu nhiên...
Để kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới đảm bảo an toàn, nghiêm túc, bên cạnh việc tiếp tục áp dụng những biện pháp nêu trên, cần có sự vào cuộc phối hợp nhất quán, đồng bộ của các bộ phận có liên quan đến các khâu tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, thanh tra giám sát kỳ thi. Trong đó, khâu coi thi đóng vai trò quyết định bởi cán bộ coi thi là lực lượng trực tiếp theo dõi thí sinh thực hiện quy chế thi bên trong mỗi phòng thi. Mỗi giám thị cần ý thức rõ trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc quy chế coi thi.
Để khâu coi thi đảm bảo tuyệt đối nghiêm túc, khách quan, không xảy ra hiện tượng tiêu cực, bên cạnh ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của mỗi giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, rất cần sự hoạt động tích cực, có hiệu quả của lực lượng thanh tra thi bao gồm cả thanh tra lưu động và thanh tra cắm chốt ở các điểm thi.