Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201606/can-thay-doi-cach-danh-gia-thi-dua-trong-giao-vien-682319/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201606/can-thay-doi-cach-danh-gia-thi-dua-trong-giao-vien-682319/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần thay đổi cách đánh giá thi đua trong giáo viên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/06/2016, 10:57 [GMT+7]

Cần thay đổi cách đánh giá thi đua trong giáo viên

(Congannghean.vn)-Kết thúc năm học, cùng với việc đánh giá, xếp loại học lực, hạnh kiểm đối với học sinh, các trường học cũng tiến hành đánh giá, xếp loại thi đua đối với giáo viên. Việc đánh giá, xếp loại thi đua đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan, khoa học sẽ là động lực để mỗi giáo viên nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đánh giá, xếp loại thi đua giáo viên ở nhiều trường học hiện nay còn bộc lộ không ít bất cập.

Nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, giáo dục học sinh. Lẽ ra, tiêu chí chính được sử dụng để làm căn cứ xếp loại giáo viên phải xuất phát từ kết quả học tập và rèn luyện (được đánh giá một cách trung thực, khách quan) của học sinh các lớp do giáo viên đó phụ trách. Mặc dù vậy, lâu nay, đây dường như chưa phải là tiêu chí cơ bản đầu tiên được hội đồng thi đua ở nhiều trường học xem xét một cách thấu đáo.

Đánh giá, xếp loại thi đua cho giáo viên vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa
Đánh giá, xếp loại thi đua cho giáo viên vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa

Thay vào đó, những tiêu chí “cứng” như: Giáo viên đạt thành tích cao trong hội thi giáo viên dạy giỏi hay giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm được cấp trên phê duyệt... lại được xem là những yếu tố quan trọng để xếp loại giáo viên; trong khi những tiêu chí này nhiều khi chưa phản ánh khách quan chất lượng giảng dạy hàng ngày trên lớp cũng như khả năng cảm hóa, giáo dục học sinh của bản thân giáo viên đó trong suốt cả năm học.

Chẳng hạn, để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, mỗi giáo viên thường phải trải qua hai vòng thi lý thuyết và thực hành, trong đó, vòng thi thực hành đóng vai trò quyết định.

Trong vòng thi quan trọng này, sau khi bốc thăm bài dạy, giáo viên thường có một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị. Để có được giáo án tốt nhất, không ít giáo viên dự thi đã “tranh thủ” ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và những người có uy tín trong ngành (không ngoại trừ cả những người sau này là thành viên ban giám khảo). Khi đó, giáo án dự thi trở thành “công trình” chung của tập thể.

Sau khi đã tiến hành dạy trước ở các đối tượng học sinh khác nhau, đến khi lên lớp thực hành thi chính thức, giáo viên chỉ việc “diễn” lại. Người nào “diễn” càng tốt, cơ hội để đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi càng cao. Vì thế, danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhiều khi chỉ là “hữu danh vô thực”. Do đó, mục tiêu của kỳ thi là nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các trường học cũng không đạt được như mong muốn.

Trong khi đó, không ít giáo viên đăng ký dự thi chủ yếu vì áp lực thành tích mà nhà trường giao, cũng có khi là để “đánh bóng” bản thân nhằm thu hút học sinh đến lớp học thêm.

Vấn đề mang tính hình thức và bất cập không kém là “phong trào” viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên. Mục đích ban đầu của việc viết sáng kiến kinh nghiệm là nhằm phát hiện, nhân rộng cái hay, cái mới trong kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu của các giáo viên điển hình để áp dụng, nhân rộng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong tổng số hàng trăm nghìn sáng kiến kinh nghiệm mà các giáo viên cho “ra lò” mỗi năm, có không ít sáng kiến chỉ để các cấp xét duyệt rồi... gác trong tủ.

Dù từ trước tới nay, Bộ GD&ĐT không có công văn chính thức nào “ép” các đơn vị hay cá nhân giáo viên bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, nhưng trong hướng dẫn về việc xét thi đua khen thưởng cuối năm học, cấp sở, phòng lại ban hành kèm theo quy định, giáo viên muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên phải có sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện đối với các đơn vị của Phòng quản lý, cấp cơ sở đối với Sở quản lý.

Các đơn vị được xét danh hiệu Đơn vị tiên tiến, xuất sắc phải có sáng kiến kinh nghiệm cấp Sở công nhận. Từ đây, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm được phát động ở các trường học ngay từ đầu năm học và xem như một tiêu chí “cứng” để xếp loại giáo viên cuối năm. Những giáo viên dù chưa có kinh nghiệm cũng phải viết sáng kiến nếu không muốn “thua bạn kém bè” về danh hiệu thi đua.

Vậy là, bằng mọi cách, cuối năm học, mỗi giáo viên phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm để nộp kể cả việc phải “đạo” trên mạng hay “xào” lại của người khác. Vì thực tế trên, mục đích, ý nghĩa ban đầu của việc viết sáng kiến kinh nghiệm cũng không đạt được.

Thiết nghĩ, để công tác thi đua khen thưởng trong các trường học đúng thực chất và phát huy tác dụng, cần chú trọng nhiều hơn tới tính hiệu quả, thiết thực. Theo đó, ngành giáo dục và từng đơn vị giáo dục cần tiến hành rà soát lại các tiêu chí thi đua, mạnh dạn loại bỏ các tiêu chí không còn phù hợp với thực tế, không tác động trực tiếp tới chất lượng giáo dục. Thay vào đó, tiêu chí chính cần hướng tới là sự chuyển biến tích cực trong việc giáo dục học sinh.

Hay nói cách khác, cần lấy sự tiến bộ của học sinh trong học tập, rèn luyện làm thước đo để đánh giá sự đóng góp của mỗi giáo viên trong quá trình giáo dục. Rõ ràng, khi ngành giáo dục vẫn tiếp tục duy trì những tiêu chí xét thi đua mà bản thân các tiêu chí đó còn tồn tại nhiều bất cập như trên thì bệnh thành tích sẽ khó có thể đẩy lùi.

.

Bùi Minh Tuấn

.