(Congannghean.vn)-Để tưởng nhớ những CBCS, người dân hy sinh trong trận bom càn của đế quốc Mỹ vào ngày 5/6/1968 (tức ngày 10/5 năm Mậu Thân), người dân xóm Mỹ Thịnh (nay là xóm 13), xã Nghi Đức, TP Vinh đã xây dựng bia tưởng niệm ngay trong nhà văn hóa xóm. Hơn 15 năm nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục lịch sử bi hùng của dân tộc cho các thế hệ con cháu…
Bia tưởng niệm về sự kiện ngày 5/6/1968 được dựng lên trong khuôn viên xóm 13, xã Nghi Đức, TP Vinh |
Ký ức không quên
Năm 1968, khi chiến sự ở khu vực Đông Dương rơi vào tình thế bất lợi cho đế quốc Mỹ, để ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam Việt Nam; một mặt, Mỹ điên cuồng càn quét ở phía Nam, mặt khác, chúng dùng máy bay ném bom thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặc biệt là những vị trí trọng điểm như đường, cầu, phà và những địa phương có đơn vị bộ đội đóng quân.
Thời điểm này, tại hợp tác xã Mỹ Thịnh, xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc (nay thuộc TP Vinh) có một đơn vị vận tải xăng dầu và một đơn vị tên lửa đóng quân. Nắm bắt được tình hình đó, đế quốc Mỹ ngày đêm ném bom “cày xới” mảnh đất này hòng tiêu diệt toàn bộ lực lương quân ta ở đây.
Khoảng 12 giờ ngày 5/6/1968, trong khi Hợp tác xã Mỹ Thịnh tiến hành chia sản phẩm cho bà con nhân dân thì máy bay Mỹ ập đến. Từng loạt bom từ trường, bom công phá, bom bi… rơi xuống mảnh đất này. Vì quá bất ngờ nên người dân không ai kịp chạy xuống hầm trú ẩn. Trận bom đã cướp đi sinh mạng của 47 người, trong đó có 42 nông dân, 2 bộ đội, 3 người từ địa phương khác đến xã làm việc.
Bà Trần Thị Quế năm nay bước sang tuổi 78 nhưng những ký ức về một thời đạn bom vẫn in sâu trong tâm trí.
Bà Quế kể lại: Trưa 5/6/1968, bà gửi con tại nhà ông bà ngoại rồi ra đồng, còn chồng bà dạy học ở Trường cấp 2 Hưng Bình. Sau khi kết thúc giờ dạy, chồng bà về đến đầu làng thì chứng kiến máy bay Mỹ ập đến và ném bom. Loạt bom với cường độ lớn, mật độ mỗi lúc một dày đã cướp đi người chồng của bà khi ông chỉ còn cách nhà mấy chục bước chân.
“Khoảng hơn 2 giờ chiều, nghe tin chồng bị trúng bom, tôi chỉ kịp ném cái cuốc đang làm dở rồi hốt hoảng chạy về nhà. Thế nhưng, khi về đến đầu làng thì thấy từ phía xa có 3 chiếc máy bay đang lao tới. Tôi chỉ kịp lao vào căn hầm Triều Tiên và nghe tiếng bom xé tai, sau đó mọi thứ tối sầm…”, bà Quế nhớ lại.
Ông Phạm Hồng Văn (53 tuổi) cũng nhớ rất rõ về thời khắc ấy bởi những mất mát quá lớn của gia đình mà đến nay vẫn không thể nguôi ngoai. Ông Văn kể lại, trưa hôm đó, tôi cùng chị gái và đứa em út đang nằm ngủ trên võng thì máy bay Mỹ ném bom tới tấp. Những loạt bom bi, bom công phá đã hất tung 2 ngôi nhà nhỏ cùng bà nội, bố mẹ và người chú ruột. May mắn lúc đó, cái máng nước chảy giữa hai mái nhà rơi xuống bên cạnh võng nên cả 3 chị em đều sống sót.
Bản “thiết kế” bia tưởng niệm của ông Phạm Đăng Cát |
“Địa chỉ đỏ”
Chiến tranh đã lùi xa, những hố bom trên mảnh đất này giờ đây cũng không còn nữa mà thay vào đó, xóm làng đã được khoác chiếc áo mới với những mái nhà đỏ tươi và cánh đồng xanh mướt. Vết thương đang ngày một lành da nhưng nỗi đau vẫn đang âm ỉ trong lòng những người dân xã Nghi Đức nói chung và bà con hợp tác xã Mỹ Thịnh nói riêng.
Nhằm nhắc nhở con cháu về sự kiện bi thương của làng xảy ra vào trưa 5/6/1968, từ ý tưởng của các cựu chiến binh và sự thống nhất của các đoàn thể xóm Mỹ Thịnh, năm 2002, đại diện chi ủy và xóm đã có tờ trình gửi Đảng ủy, chính quyền xã Nghi Đức xin ý kiến về việc cho xóm Mỹ Thịnh quyên góp, đầu tư xây dựng một bia tưởng niệm ngay trong khuôn viên nhà văn hoá xóm. Sau khi được chấp thuận, xóm đã huy động tất cả người dân từ già trẻ, gái trai góp công sức xây dựng.
Cựu chiến binh Phạm Đăng Cát (66 tuổi), người đưa ra ý tưởng này chia sẻ, ban đầu khi đưa ra họp bàn, phần lớn người dân thống nhất không xây tượng đài mà chỉ dựng một tấm bia với mục đích ghi lại nỗi đau thương của dân làng trong ngày 5/6/1968.
Thế nhưng, ông Cát nhận thấy nếu như thế thì không “xứng” và muốn khắc rõ tội ác của đế quốc Mỹ. Vì thế, ông đã nghĩ ra ý tưởng xây dựng một bức phù điêu bán thân có hai tay nắm lại, chỉ lên trời như để kêu oan cho những người dân lương thiện vô tội. Tuy nhiên, ý tưởng đó lại không thể thực hiện được vì sau khi tính toán thấy kinh phí khá lớn so với “sức dân”. Mặc dù vậy, ông Cát vẫn không hề nhụt chí.
Sau nhiều đêm suy nghĩ để tìm ra ý tưởng làm sao cho ra đời một “địa chỉ” xứng tầm, vừa tiết kiệm được nguồn kinh phí, vừa khắc họa rõ nét nỗi đau của dân làng, ông Cát đã tự mày mò vẽ bản thiết kế về một bia tưởng niệm. Sau khi chăm chút “đứa con” của mình, ông đưa cho các đồng chí trong ban cán sự xóm và các cựu chiến binh góp ý hoàn thiện thì đều được mọi người hết sức ủng hộ.
Sau đó, bia tưởng niệm được triển khai xây dựng với bố cục hình tứ trụ, cao 4,3 m, có bệ chịu lực rộng 2,2 m. Phía đế thứ nhất rộng 1,9 m, đế thứ 2 rộng 1,6 m. Tiếp đến là phần thân, nơi rộng nhất là 1,2 m, chính giữa có eo thu vào; phía trên cùng là một viên đá tròn (sau này được thay thế bằng một tháp đèn bằng đá cao 1,7 m); trong vòng một tháng với tổng kinh phí gần 5,5 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền này được huy động từ nguồn đóng góp của người dân trong làng và con em địa phương hiện đang sinh sống, học tập, công tác trên mọi miền Tổ quốc.
Sau gần 15 năm, “tượng đài” sừng sững hiên ngang được dựng lên trong khuôn viên nhà văn hóa xóm khiến bà con đều phấn khởi, tự hào. Ông Phạm Quang Trung, Bí thư Chi bộ xóm 13, xã Nghi Đức chia sẻ: “Tượng đài là địa chỉ để người dân tưởng nhớ đến nỗi đau chiến tranh mà đế quốc Mỹ gây ra cách đây nửa thế kỷ. Đối với nhân dân xã Nghi Đức nói chung và xóm 13 nói riêng, kể từ khi bia tưởng niệm được xây dựng, mọi hoạt động diễn ra tại nhà văn hóa xóm đều được coi trọng. Đặc biệt, trong các ngày lễ quan trọng, chúng tôi đều chọn địa điểm này để tổ chức các hoạt động. Đây cũng chính là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ…”.