Văn hóa - Giáo dục

Tâm nguyện ở bên kia chiến tuyến và cuộc hội ngộ sau gần 48 năm

10:01, 03/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mùa hè gần 48 năm trước, máy bay F4 của Mỹ đang tiến hành rải bom thì bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn hạ và rơi xuống khu vực xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. 1 trong 2 tên phi công trên máy bay bị 3 cậu học trò trường làng bắt sống, người còn lại tử nạn. Chuyện tưởng chừng đã chìm vào quên lãng; thế nhưng, ở nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, người phi công Mỹ năm nào luôn bị ám ảnh, day dứt về người đồng đội nằm lại nơi đất khách.

Trong những năm tháng cuối cuộc đời, tâm nguyện trở lại Việt Nam của phi công Mỹ đã được người con trai thực hiện. Anh đã có một cuộc hành trình rất may mắn và đầy nhân văn khi gặp lại những người bắt sống cha mình năm xưa.

 Ông Văn và Thomas chụp ảnh lưu niệm tại hiện trường máy bay rơi ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương
Ông Văn và Thomas chụp ảnh lưu niệm tại hiện trường máy bay rơi ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương

Tâm nguyện ở bên kia chiến tuyến

Người phi công gần 48 năm trước bị bắt sống trong câu chuyện này là Walter Eugence Wilber, thuộc lực lượng Hải quân, Quân đội Hoa Kỳ. Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Để cứu vãn tình hình ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc, ngày 16/6/1968, sau khi xâm nhập vào vùng trời Nghệ An, tiến hành ném bom tại một số vị trí trọng điểm của ta, chiếc máy bay ném bom F4, do Walter và Bernard Francis Rupinski điều khiển đã bị trúng đạn của lực lượng Phòng không Việt Nam và rơi xuống khu vực xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Walter đã nhảy dù, thoát ra khỏi máy bay đang bốc cháy nên may mắn thoát chết, còn người đồng đội của ông không may tử nạn.

Sau khi bị 3 cậu học trò Việt Nam bắt sống và giao lại cho chính quyền, Walter bị giam giữ trong thời gian 4 năm 8 tháng tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Điều đặc biệt là trong suốt thời gian bị giam giữ tại nhà tù và sau này trở về nước, ông đã có nhiều báo cáo, tham gia trả lời phỏng vấn truyền hình kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa; thế nhưng, ở nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, chưa lúc nào người phi công này thôi day dứt và ám ảnh về những tội ác mà quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Ông còn nhớ như in hình ảnh những người bắt ông ngày hôm đó. Họ là những thiếu niên trạc tuổi con trai ông, dáng người nhỏ bé nhưng rất gan dạ.

Trong những năm tháng cuối đời, ký ức đau thương về những người đồng đội, chiến hữu thân thiết tử trận trong chuyến bay định mệnh năm đó càng khiến trái tim ông nhức nhối. Ông nuôi khao khát trở lại Việt Nam và người giúp ông thực hiện tâm nguyện này chính là con trai ông - Thomas Eugene Wilber (còn gọi là Tom). Cuối năm 2014, Thomas bắt đầu chuyến hành trình sang Việt Nam.  

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Phải đến lần thứ 2 trở lại Việt Nam, vào tháng 1/2015, Thomas mới bắt đầu tìm được manh mối về vụ máy bay rơi. Điều mà anh e ngại là khơi lại những nỗi đau mà người dân Việt Nam phải gánh chịu do người Mỹ gây ra trong chiến tranh. Thế nhưng, tại đất nước này, anh đã gặp những con người vô cùng hiếu khách, thân thiện, hiền hậu và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của họ.

Sau khi được giới thiệu đến Bảo tàng Quân khu 4, anh được Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng giúp đỡ. Nhờ kinh nghiệm dày dạn của vị chỉ huy nhiều năm làm công tác bảo tàng, Thomas đã tìm ra mối liên hệ, khớp nối các thông tin xác định nhân chứng trong vụ bắt sống phi công Mỹ ngày đó.  

Chiều 15/1/2015, ông Bùi Bác Văn ở khối Trường Tiến, phường Hưng Phúc, TP Vinh tiếp đón 3 vị khách đặc biệt, trong đó có 1 người ngoại quốc. Khi được hỏi về vụ máy bay rơi ở xã Thanh Tiên cách đây 47 năm, ông vô cùng ngạc nhiên.

Gần nửa thế kỷ qua, câu chuyện bắt sống phi công năm nào đã gần như ngủ quên trong ký ức của ông và hôm nay, nó lại được làm sống dậy bởi một vị khách ở nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất.

 Ông Bùi Bác Văn lưu giữ, nâng niu tấm ảnh gia đình mình  với gia đình ông Walter
Ông Bùi Bác Văn lưu giữ, nâng niu tấm ảnh gia đình mình với gia đình ông Walter

Những ký ức năm xưa dần được tái hiện như một thước phim quay chậm qua lời kể của ông; đưa Thomas đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc này, anh biết mình đã tìm đúng người. Thomas hỏi ông về những đặc điểm của người phi công bị ông bắt sống. Khi ông Văn kể lại từng chi tiết, từ chiếc dù màu đỏ trắng mà người phi công nhảy xuống đến bộ quần áo, đôi giày..., đôi mắt Thomas đỏ hoe. Anh lập tức cầm điện thoại và gọi Facetime (cuộc gọi video) cho cha. Lần đầu tiên sau gần 48 năm, 2 người lính ở hai bên chiến tuyến gặp lại nhau. Ở đầu dây bên kia, ông Walter òa khóc như một đứa trẻ.

“Khi đó tôi mới 15 tuổi, đang ngồi trong nhà thì nghe thấy tiếng nổ lớn trên bầu trời và thấy một chiếc máy bay bốc cháy quay vòng rồi lao xuống. Một phi công Mỹ nhảy dù xuống, tôi cầm đòn xóc chạy theo hướng chiếc dù và hét “Đi bắt phi công bây ơi!”. Khi đó có 2 người cũng chạy theo tôi. Tên phi công tiếp đất và ngồi trên mô đất, một tay cầm bộ đàm còn tay kia cầm súng. Ba chúng tôi tiến lại gần, tôi cầm đòn xóc đánh vào tay cầm bộ đàm của tên phi công khiến nó rơi xuống đất. Khi đó, cả 3 chúng tôi đều không biết đó là cái gì, thấy nó phát ra âm thanh nên anh Thu đứng sau giằng đòn xóc và đập tiếp nhưng không được nên chúng tôi nhấn nó xuống bùn”, ông Văn nhớ lại.

Người tham gia bắt phi công cùng ông Văn hôm đó là ông Nguyễn Văn Thu và ông Nguyễn Văn Mợi (đã mất).

Kỷ vật nơi chiến trường

Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, Thomas được ông Văn dẫn về thăm lại hiện trường máy bay rơi ngày hôm đó. Cánh đồng xã Thanh Tiên giờ đây không còn lưu giữ vết tích nào của chiến tranh. Tại đây, ông Văn và ông Thu chỉ cho Thomas chỗ máy bay rơi và quan trọng hơn, đó là phần mộ chôn cất một phần thi thể của Bernard Francis Rupinski, người đồng đội của ông Walter tử trận ngày hôm đó.

Ông Văn kể: “Sau ngày máy bay rơi 2 ngày, tôi chạy ra nơi máy bay rơi để xem xét tình hình. Tất cả chỉ còn lại một đống đổ nát. Sẵn tính tò mò, tôi lật tung các đồ vật ở đó và phát hiện một phần thi thể của người phi công còn lại. Tuy hơi sợ nhưng sau một hồi đắn đo, tôi quyết định mang phần thi thể đó đi chôn cất. Hôm đó có một bộ phận của chiếc máy bay trông rất đẹp, nhìn giống như chiếc bình nên tôi đã mang về nhà rửa sạch để đựng nước, làm chậu hoa”.

Đồ vật mà ông Văn nhắc tới chính là một bộ phận của máy bay F4. Sau khi xem chiếc chậu hoa đặc biệt đó, Thomas đã liên lạc với Cục Hàng không Mỹ để tra cứu và xác nhận những chi tiết trên chiếc bình. Đó là một bộ phận của máy bay nằm phía trước cabin. Ông Văn đã trao chiếc bình hoa này cho Thomas để anh đưa về Mỹ cho ông Walter.

Qua điện thoại, ông Walter nói với ông Văn rằng: Nếu sức khỏe cho phép, ông sẽ sang Việt Nam. Thế nhưng, bệnh tật tuổi già khiến ông không thể thực hiện được tâm nguyện của mình. Ông Walter trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/7/2015. Trước khi ông Walter qua đời, ngày 4/7, họ đã nói chuyện với nhau qua lời phiên dịch của các con của họ.

Ông Văn bùi ngùi nhớ lại: “Ông Walter nằm trên giường bệnh nói rằng: “Tôi biết sức khỏe của tôi không được lâu dài nữa, tôi rất lấy làm tiếc vì không được gặp lại ông một lần nữa, xin gửi lời chào vĩnh biệt ông”. Theo di nguyện của người cha quá cố, gia đình ông Walter đã đặt chiếc bình hoa là một bộ phận của phi cơ bên mộ của ông.

Sau gần nửa thế kỷ, ông Walter đã hoàn thành tâm nguyện của mình trước lúc qua đời. Cuối đời, ông được gặp và có thêm những người bạn ở đất nước mà trước kia người Mỹ đã từng gieo rắc tội ác.

Và cả Thomas, con trai ông cũng vậy. Những vết thương cũ được hàn gắn, những kỷ vật được trao tặng, sự thù hậu, đau thương bị xóa nhòa, nhường chỗ cho tình bạn, tình người. Những hiện vật của ông Walter tại nhà tù Hỏa Lò đã được Thomas trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 4, gồm bộ quần áo tù nhân, chiếc khăn và hai bao thuốc lá Tam Thanh và Điện Biên - là món quà Chính phủ Việt Nam tặng vào ngày ông được trả tự do (ngày 12/2/1973).

Trong ngôi nhà của ông Văn, hai tấm ảnh của gia đình ông Walter và gia đình mình được ông đặt vào một chiếc khung ảnh, treo trang trọng giữa phòng khách. Chiến tranh đã gây ra nhiều đau thương, mất mát, duy chỉ có tình người vẫn còn mãi...

Huyền Thương

Các tin khác