Văn hóa - Giáo dục
Công trình tri ân tiền nhân
(Congannghean.vn)-Đồng chí Hồ Tùng Mậu, tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động, đồng chí đổi tên là Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức trong quá trình hoạt động cách mạng. Đồng chí sinh ra trong một gia đình, dòng họ, quê hương giàu truyền thống yêu nước. Từ một người yêu nước, đồng chí trở thành người cộng sản chân chính; một cán bộ tổ chức có tài, bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm; đồng thời là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng. Đồng chí được công nhận là lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng.
Cụm di tích nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu gồm nhà lưu niệm nơi sinh ra và lớn lên của đồng chí; khu nhà thờ tiểu chi Cụ Án họ Hồ Quỳnh Đôi và khu mộ Hồ Tùng được xây dựng ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.
Phối cảnh tổng thể Cụm di tích nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu |
Trong khuôn viên nhà thờ (về sau được phê duyệt xây dựng nhà tưởng niệm), trước đây có nhà ở của gia đình Hồ Tùng Mậu, là nơi có nhiều danh nhân, chí sỹ yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân lui tới để họp bàn việc nước.
Đây cũng là nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của xã Quỳnh Đôi; là nơi in ấn, cất giấu tài liệu, hội họp của tổ chức cơ sở Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; đồng thời còn là nơi làm việc của Huyện ủy và MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Lưu trong kháng chiến chống Mỹ.
Năm 2000, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng về một nhân vật lịch sử có nhiều cống hiến, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Qua thời gian, do ảnh hưởng của thiên tai, chiến tranh, nhiều hạng mục của di tích đã hư hỏng, xuống cấp.
Trước thực trạng trên, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan, ngày 4/9/2015, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt công trình tu bổ, tôn tạo di tích Nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu. Công trình do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư với tổng dự toán 17.523 triệu đồng. Dự án được khởi công vào ngày 20/9/2015, dự kiến hoàn thành và bàn giao công trình vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí (tháng 6/2016).
Hiện tại, các hạng mục gồm nhà thượng đường, nhà bái đường, nhà che bia tại khu nhà thờ họ đã hoàn thành. Còn các hạng mục khác đang phải tạm dừng do phía gia đình cụ Hồ Tùng Mậu có ý kiến đề xuất thay đổi.
Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Với trách nhiệm quản lý, không chỉ bản thân tôi mà cả hệ thống chính trị cùng con cháu luôn mong có một công trình xứng tầm với công lao, đóng góp của đồng chí Hồ Tùng Mậu và làm nơi giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng hiện tại, công trình chưa thể hoàn thành theo dự kiến, bởi sau khi công trình được khởi công, gia đình đồng chí đã 4 lần đề nghị điều chỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Sau khi có ý kiến đề xuất, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng ý tạm dừng thi công để thống nhất một số nội dung; đồng thời để có cơ sở điều chỉnh quy mô, thay đổi một số hạng mục, UBND tỉnh đã xin ý kiến Bộ VH-TT&DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đó là: Cho phép di dời các hộ dân theo hình thức tái định cư để tăng thêm diện tích của khu di tích nhằm mở rộng khuôn viên, bố trí bãi đỗ xe, đường mới vào di tích; điều chỉnh quy mô nhà lưu niệm, khu lăng mộ; giữ nguyên quy mô nhà bếp; bổ sung thêm nhà ban quản lý và đề nghị điều chỉnh nguồn kinh phí do thay đổi quy mô thêm 22,3 tỉ đồng (sau khi điều chỉnh là 39,8 tỉ đồng).
Được biết, hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu, Tỉnh ủy đã có Kế hoạch 18/KH-TU ngày 29/4/2016 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm; đồng thời giao Huyện ủy Quỳnh Lưu chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạng mục nhà lưu niệm, chỉnh trang khuôn viên khu mộ và khánh thành đưa vào sử dụng một số hạng mục đúng vào dịp kỷ niệm.
Xuân Thống