Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201605/giang-vien-tre-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-676223/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201605/giang-vien-tre-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-676223/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giảng viên trẻ đam mê nghiên cứu khoa học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 09/05/2016, 14:13 [GMT+7]

Giảng viên trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

(Congannghean.vn)-Với 60 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước, 48 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và 1 đầu sách chuyên khảo, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài, giảng viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An vinh dự là 1 trong 68 nhà khoa học trẻ được gặp mặt Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2015 và là đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II năm 2015.

Sinh ra trên mảnh đất Thanh Hóa đầy nắng gió, bố mẹ là những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngày nhỏ, Đỗ Ngọc Đài (SN 1982) đã nhiều lần chứng kiến cảnh mất mùa do sâu bọ, dịch bệnh. Vì thế, anh nuôi ước mơ nghiên cứu ra những giống cây trồng cho năng suất cao để người nông dân không phải chịu cảnh mất mùa.

 Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài (thứ 4 từ trái sang) trong một chuyến đi nghiên cứu khoa học tại miền Tây Nghệ An
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài (thứ 4 từ trái sang) trong một chuyến đi nghiên cứu khoa học tại miền Tây Nghệ An

Để theo đuổi niềm đam mê cháy bỏng đó, Đỗ Ngọc Đài đã đăng ký thi vào Khoa Sinh, Trường ĐH Vinh và đạt số điểm cao. Môi trường đại học đã tạo điều kiện cho anh phát huy được sở trường của bản thân. Ngoài giờ học, anh thường xuyên lên thư viện Trường tìm kiếm tài liệu và đi thực tế để tìm hiểu.

Sau 4 năm đại học, Đỗ Ngọc Đài đạt thành tích xuất sắc và tiếp tục học cao học. Khoảng thời gian này, anh vừa miệt mài nghiên cứu, vừa đi theo các dự án của nước ngoài để làm thêm. Anh luôn tận dụng những chuyến đi thực tế để tìm hiểu, quan sát, ghi chép lại từng chi tiết nhỏ nhất.

Năm 2009, anh hoàn thành luận văn Thạc sĩ và tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Năm 2013, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Những tháng ngày nay đây mai đó, ăn ngủ trong rừng, anh đã cùng các cộng sự hoàn thành khoảng vài chục đề tài, dự án, góp phần đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ thảm thực vật và môi trường.

Đặc biệt, nhiều đề tài, dự án mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân địa phương, giúp bảo tồn những loài cây quý có giá trị kinh tế như: “Nghiên cứu các cây làm thuốc và xây dựng mô hình bảo vệ, phát triển ở miền Tây Nghệ An”, “Bảo tồn nguồn gen cây dược liệu (đẳng sâm Codonopsis javanica và sâm Puxailaileng) có nguy cơ tuyệt chủng tại vùng núi cao Nghệ An”.

Năm 2014, anh về công tác tại Trường ĐH Kinh tế Nghệ An với mong muốn truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ.

Sau 2 năm công tác, nhận thấy những năm gần đây, các ngành Công nghệ thông tin, Kế toán, Chế tạo máy được nhiều bạn trẻ lựa chọn; trong khi Nông - Lâm nghiệp là ngành thiết thực cho cuộc sống lại ít người theo học nên anh đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều.

“Tôi rất trân trọng những sinh viên có nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi biết được khó khăn lớn nhất ngăn cản việc nghiên cứu của các em đó là không có nguồn tài trợ. Mặc dù nhà trường cũng tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học nhưng do nguồn vốn hạn chế nên chưa thúc đẩy được các em thực hiện việc này”, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài chia sẻ.

Với những nỗ lực của mình, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài đã và đang từng ngày truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Với những đề tài khoa học mang tính thực tiễn áp dụng tại Nghệ An, anh tin tưởng sẽ góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn những giá trị quý báu về tiềm năng vốn có của xứ Nghệ; qua đó giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

.

Phương Thủy

.