Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201604/dung-keo-dai-noi-dau-giai-thuong-ho-xuan-huong-673300/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201604/dung-keo-dai-noi-dau-giai-thuong-ho-xuan-huong-673300/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng kéo dài nỗi đau giải thưởng Hồ Xuân Hương! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 20/04/2016, 17:01 [GMT+7]

Đừng kéo dài nỗi đau giải thưởng Hồ Xuân Hương!

(Congannghean.vn)-Đã gần 5 mùa giải đi qua, một phần tư thế kỷ chỉ để vinh danh, tuyển chọn những gương mặt văn nghệ sĩ danh giá nhất xứ Nghệ - một trong những cái nôi văn hóa, văn nghệ của cả nước. Thế nhưng, có đến 2 mùa, trước giờ trao giải lại “ầm ĩ”, không những ở chất lượng các tác phẩm mà còn xoay quanh chuyện Ban tổ chức. Chuyện tưởng đã cũ ở mùa trao giải trước lại đang ồn ã trước thềm vinh danh năm nay.

Ồn ã trước giờ trao giải

Trước mùa công bố trao giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương lần thứ IV, giai đoạn 2005 – 2010, trong số 110 tác giả đạt giải, có đến 15 khiếu nại của các tác giả dự giải khiến cho việc tổ chức lễ trao giải chậm hơn 8 tháng.

Và tại lần trao giải thứ V này, những lùm xùm của lần trao giải trước đã lặp lại, trong đó có việc nhiều văn nghệ sĩ cho rằng, Ban giám khảo “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi vừa làm Ban giám khảo, vừa có tác phẩm dự thi thì chẳng khác nào tự mình chấm luôn đứa con tinh thần của mình.

Lễ trao giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV  - Ảnh tư liệu
Lễ trao giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV - Ảnh tư liệu

Cụ thể, ngày 5/4, ngay sau khi hội đồng sơ khảo nhiếp ảnh tổ chức công bố giải thưởng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Xuân Lương (nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Nghệ An từ năm 2005 - 2010) đã có đơn kiến nghị về hai vấn đề: Một là quy chế quy định liên quan đến chùm ảnh, ảnh đơn không rõ ràng và một số thành viên trong hội đồng sơ khảo chưa đủ tầm để đứng ra chấm giải.

Đầu tiên là việc, bà Nguyễn Thị Phước, Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, một mình làm chủ tịch 9 Hội đồng sơ khảo, bao gồm các chuyên ngành: Nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, múa, sân khấu, lý luận phê bình, thơ, văn xuôi và văn nghệ dân gian.

Nhiều người còn kháo nhau rằng, thành viên hội đồng giám khảo được nhận thù lao cao (2 triệu đồng) nên việc bà Phước tham gia 9 hội đồng, nghiễm nhiên được nhận 18 triệu đồng - số tiền không hề nhỏ đối với văn nghệ sĩ. Đó là chưa nói đến việc, các thành viên hội đồng sơ khảo có tác phẩm dự thi luôn “áp đảo” về điểm số.

Đơn cử, hội đồng thơ có 5 thành viên chấm giải thì 4 người có tác phẩm dự thi. Trong đó, một giải A được trao cho bà Nguyễn Thị Phước và hai giải B, một giải Khuyến khích thuộc về ba thành viên trong hội đồng chấm giải.

Tương tự, ở các hội đồng khác như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh và văn xuôi, ban giám khảo có tác phẩm dự thi luôn dẫn đầu về điểm số, đơn cử: Ông Trịnh Quang Thuận, Trưởng ban Âm nhạc Hội VHNT, Phó Chủ tịch Hội đồng, đạt giải A âm nhạc “Xuôi dòng Lam Giang”; ông Hồ Thiết Trinh, Ủy viên Mỹ thuật Hội VHNT, thành viên hội đồng đạt giải A mỹ thuật “Công dân mới của Trường Sa”; ông Nguyễn Thế Quang, Trưởng ban Văn - Hội VHNT, Phó Chủ tịch hội đồng đạt giải A văn xuôi “Thông reo Ngàn Hống”…

Chính điều này đã làm dấy lên sự nghi ngờ về tính minh bạch trong từng chất lượng của tác phẩm đạt giải, dẫn đến một số tác phẩm xứng đáng đã bị hội đồng chấm giải loại không thương tiếc.

Cụ thể, trường ca “Long mạch” của nhà thơ Hoàng Trần Cương, năm 2015 đạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam; hay như tập thơ “Muộn chiều” của nhà thơ Võ Văn Vinh, Hội viên Hội VHNT Nghệ An, bao gồm tuyển tập phần lớn các tác phẩm đã đăng trên báo Văn nghệ nhưng cả hai tác phẩm này đều bị loại.

Điều đáng tiếc này đã diễn ra từ lần trao giải trước, nhưng chẳng hiểu sao sau 5 năm, những bất cập ấy lẽ ra được sửa đổi, điều chỉnh để có được mùa giải thực sự trọn vẹn thì những người có trách nhiệm đã không làm, để chuyện cũ tái diễn, gây bức xúc cho những người có tác phẩm tham dự giải cũng như sự quan tâm của dư luận.

Đừng để nỗi đau thêm dài

Trao đổi với báo chí ngay sau khi có đơn kiến nghị và dư luận liên quan, bà Lưu Thị Hồng Trâm, Chuyên viên UBND tỉnh Nghệ An, người trực tiếp soạn thảo các quyết định, quy chế về xét tặng giải thưởng và là thành viên tổ thư ký cho rằng, việc bà Nguyễn Thị Phước cùng lúc làm Chủ tịch 9 hội đồng sơ khảo là chuyện bình thường, bởi bà Phước là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nên lĩnh vực nào cũng phải biết và am hiểu? “Nếu không chấm được cho 9 chuyên ngành thì không thể làm Chủ tịch Hội VHNT”, bà Trâm cho biết.

Bà Nguyễn Thị Phước, “tâm điểm” dư luận của đợt trao giải thưởng Hồ Xuân Hương lần này cho rằng, việc các văn nghệ sĩ có ý kiến về giải thưởng là chuyện bình thường. Cũng không riêng gì giải thưởng Hồ Xuân Hương mà các giải thưởng liên quan đến VHNT hầu như đều có dư luận trái chiều.

Lý giải về chuyện giám khảo “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như dư luận nghi ngại, vị Chủ tịch hội này chia sẻ: Quy chế chấm giải trước đây không cho phép các giám khảo dự giải, tuy nhiên, sau khi lập danh sách 40 thành viên giám khảo đều là các tác giả tài năng, có uy tín, nếu loại hết tác phẩm của họ thì chất lượng của giải sẽ bị hạn chế.

Ngoài ra, đây là giải thưởng 5 năm mới xét một lần, nếu định như vậy sẽ rất thiệt thòi nên Hội VHNT kiến nghị và UBND tỉnh đã sửa lại, cho phép các giám khảo tham dự giải nhưng với quy định rất khắt khe: Giám khảo không được tham gia bàn bạc, trao đổi, chấm tác phẩm của mình và người thân. Phiếu điểm nào chênh lệch 1,5 điểm so với tổng điểm trung bình là không hợp lệ, không được tham gia tính điểm”, bà Phước phân trần.

Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương được UBND tỉnh Nghệ An xét chọn, trao giải lần đầu tiên vào năm 1992 và từ đó đến nay, đến hẹn lại lên, theo chu kỳ 5 năm, giải được trao một lần với 9 lĩnh vực VHNT. Cũng cần khẳng định rằng, giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương là giải thưởng danh giá, tôn vinh thành quả lao động, sáng tạo của giới văn nghệ sĩ Nghệ An.

Đây cũng là một trong số ít giải thưởng VHNT địa phương được tổ chức quy mô, uy tín ở khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Bởi vậy, trong 2 lần trao giải gần đây, khi có những lình xình xung quanh việc trao giải đã phần nào làm ảnh hưởng đến truyền thống, giá trị tinh thần và ý nghĩa nhân văn của giải thưởng mang tên "bà chúa thơ Nôm". Dù vậy, các cụ ngày xưa đã đúc kết rằng: "Xưa nay thế thái nhân tình/Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”.

Văn nghệ sĩ lại là những người có cái tôi rất lớn, trong khi cách nhìn nhận, đánh giá các tác phẩm của mỗi người lại khác nhau. Bởi vậy, đôi khi vì tự ái nghề nghiệp, những kiến nghị, thắc mắc của văn nghệ sĩ trong chuyện xét chọn giải thưởng âu cũng là chuyện bình thường.

Thậm chí, đến như giải thưởng danh giá mang tên Nobel ở tầm thế giới, có những mùa trao giải vẫn có nhiều người không phục vẫn được coi là chuyện thường ngày. Quan trọng là, làm thế nào để những thắc mắc, kiến nghị như vậy được giải quyết theo chiều hướng tích cực, đảm bảo tính văn hóa và không lặp lại ở những lần trao giải sau, vì nếu không sẽ không những làm nghệ sĩ tổn thương mà quan trọng hơn, hình ảnh văn nghệ sĩ cũng sẽ bị méo mó ít nhiều trong lòng công chúng.

Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, đến nay đã bước vào mùa giải lần thứ V, nhằm tôn vinh các tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Kết quả cho thấy, giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ V có 87 tác phẩm và cụm tác phẩm vào vòng chung khảo, thuộc 9 chuyên ngành. Trong đó có 81 tác phẩm và cụm tác phẩm đạt giải, gồm 8 giải A, 16 giải B, 23 giải C và 34 giải Khuyến khích.

 

.

Thiện Thành - Như Phương

.