(Congannghean.vn)-Từ lâu, ở điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4, đồng bào dân tộc Mông luôn xem thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp là người con thân yêu của bản làng. Không chỉ đưa con chữ đến với học trò vùng cao, thầy còn tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ, quyên góp sách vở, quần áo, đồ chơi... cho các em học sinh nơi đây.
Mang xuân sớm đến với bản làng
Quãng đường đèo dốc vắt vẻo bên sườn núi, nhão nhoét bùn đất từ trung tâm huyện Quế Phong vào điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4 khó đi hơn với những chiếc xe chở hàng hóa cồng kềnh. Những con dốc dựng đứng, trơn trượt, một bên là vực thẳm nên chỉ cần lệch tay lái thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của những người trên xe. Vì đường khó đi nên mỗi khi vào điểm trường, các thầy giáo đều phải đi ủng và không bao giờ dám đi một mình.
Thời điểm cuối năm, lượng công việc nhiều nên bà con nơi đây tất bật hơn ngày thường. Thế nhưng, phụ huynh và các em học sinh vẫn dành thời gian ra đón các thầy ở cổng trường. Điểm trường Tri Lễ 4 nằm cheo leo trên những bản làng lâu đời của dân tộc Mông. Gọi là trường nhưng đó chỉ là những căn lều xiêu vẹo, hở hoác, được dựng tạm bợ bằng những tấm gỗ ván.
Khi thấy thầy giáo từ xa, những đứa trẻ vội vàng chạy đến chào và nhanh tay đỡ những kiện hàng trên xe với ánh mắt lấp lánh và nụ cười tươi rói. Cởi bỏ bộ áo mưa và đôi ủng đầy bùn đất, thầy Hiệp nhanh chóng phát quà cho học sinh. Đây không phải là lần đầu học sinh được nhận quà từ thầy Hiệp nhưng những món quà được trao tận tay các em trong thời điểm này rất có ý nghĩa. Tết này, những đứa trẻ nơi đây đã có áo mới để đi chơi xuân. Em Thò Thị Dương, học sinh lớp 5 vừa xỏ tay vào chiếc áo len mà thầy Hiệp trao vừa vui mừng cho biết: “Con chưa bao giờ có chiếc áo đẹp và ấm thế này. Con cảm ơn thầy nhiều lắm!”.
Thầy Nguyễn Hồng Hiệp trao quà cho học sinh điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4 |
Sự quan tâm và tình yêu thương dành cho học trò đã giúp thầy Hiệp cũng như 41 thầy giáo cắm bản ở điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4 thêm gắn bó với mảnh đất vùng cao này. Theo thầy Hiệp, bản Mường Lống là vùng khó khăn nhất của huyện; điện, đường, sóng điện thoại chưa có nên cuộc sống nơi đây dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Do điều kiện đi lại và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nên lãnh đạo phòng giáo dục và chính quyền huyện bố trí 100% cán bộ giáo viên của trường là nam giới. Trong đó, thầy Hiệp đã có thâm niên 15 năm cắm bản. Trong hành trình theo đuổi ước mơ con chữ của biết bao thế hệ học trò người Mông cũng như trong cuộc sống của đồng bào nơi đây luôn có bóng dáng của thầy.
“Do cuộc sống của học sinh còn khó khăn và thiếu thốn nên trong thời gian qua, tôi đã kêu gọi một số tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ các em có thêm đồ dùng học tập và sinh hoạt thiết yếu như: Sách, vở, bút, dép, quần áo…Tôi mong rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ để các em có điều kiện đến trường”, thầy Hiệp chia sẻ.
Dạy học trò bằng 5 thứ tiếng
Trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 20/11/2015, thầy Nguyễn Hồng Hiệp vinh dự là 1 trong 64 giáo viên cắm bản tiêu biểu được vinh danh. Câu chuyện về tình thương, sự hy sinh của thầy Hiệp trong hành trình mang con chữ đến với học sinh nghèo vùng cao khiến mọi người hết sức xúc động. 37 tuổi, với 15 năm cắm bản, đôi chân của thầy đã in dấu trên rất nhiều bản làng xa xôi của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An).
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, thầy Hiệp được nhận vào công tác tại Trường Tiểu học Nậm Nhoóng, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Điểm trường Huồi Cam nơi thầy dạy học chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Hồi đó vẫn chưa có đường cho ôtô, xe máy vào, giáo viên muốn vào điểm trường phải đi bộ cả ngày đường.
Sau đó, thầy Hiệp chuyển lên xã Tri Lễ, đến năm 2005, nhà trường tạo điều kiện cho thầy về công tác tại xã Quế Sơn. Tuy nhiên, một năm sau, thầy đã xung phong nhận công tác tại điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm thầy gắn bó với học sinh nơi bản nghèo bằng cái tâm của người thầy và trên hết là tình yêu đối với học trò.
Thầy Hiệp tâm sự: “Từ bao đời nay, cái đói, cái nghèo cứ bám riết đồng bào nơi đây. Quanh năm làm lụng không đủ ăn nhưng giờ họ đã ý thức được tầm quan trọng của việc học và khát khao con chữ nên việc vận động học sinh đến trường không còn khó khăn như trước. Nếu như trước đây, học sinh bỏ học nhiều thì những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đến trường đã tăng cao, xã còn có nhiều em đỗ đại học, cao đẳng. Điều đáng nói là nhiều người học xong đã trở về trường dạy học, tiếp tục trao truyền tri thức, thắp sáng ước mơ cho biết bao thế hệ học sinh nơi đây”.
Được gần gũi và tiếp xúc nhiều với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Khơ Mú, Thái... nên thầy Hiệp hiểu khá rõ phong tục tập quán và có thể nói thành thạo các thứ tiếng Mông, Khơ Mú, Thanh, Thái. Điều này đã giúp ích cho thầy rất nhiều trong quá trình giảng dạy bởi khả năng nói tiếng phổ thông của phần lớn học sinh ở đây rất hạn chế. Để giúp các em hiểu bài, giáo viên phải vừa biết tiếng Kinh, vừa biết tiếng dân tộc của các em. Nhờ am hiểu tập tục cũng như ngôn ngữ của đồng bào nên việc vận động học sinh đến trường của thầy cũng có phần thuận lợi hơn.
Nhiều năm qua, thầy Hiệp luôn nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn. So với miền xuôi, để việc dạy và học ở đây đạt được thành tích cao cũng có phần khó khăn hơn, thế nhưng với sự yêu nghề, đam mê sáng tạo, nghiên cứu các phương pháp dạy mới, thầy đã gặt hái được nhiều thành công.
Theo đó, nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm 2015 đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là một trong những giáo viên tiêu biểu được huyện Quế Phong đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tháng 11/2005, thầy vinh dự là 1 trong 64 giáo viên cắm bản tiêu biểu của cả nước được Bộ GD&ĐT vinh danh.