(Congannghean.vn)-Ở vùng giáp biên, cuộc sống vô cùng khó khăn, người dân chủ yếu là người dân tộc H’Mông, Thái và tộc người Tày Poọng. Xuất phát từ thực tế trên, để làm tốt công tác phổ cập giáo dục, cô Trần Thị Thu Hà (SN 1973), Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã có nhiều sáng kiến phù hợp với phong tục tập quán của bà con.
20 năm làm giáo viên cắm bản
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp, cô Trần Thị Thu Hà về công tác tại quê nhà ở thị trấn Con Cuông, sau đó chuyển công tác về Trường Mầm non Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đến năm 2012, cô giữ chức Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp. Đến nay, cô đã có gần 20 năm công tác. Cũng chừng ấy thời gian, cô gắn bó với nhiều trường học ở các xã miền núi xa xôi. Trong đó có Trường Mầm non Tam Hợp nằm ở vùng giáp biên, bởi vậy, cuộc sống của những giáo viên cắm bản gặp không ít khó khăn.
Năm 2013, điện lưới quốc gia về với xã Tam Hợp nên cuộc sống của các cô giáo cắm bản đã bớt phần khó khăn. Đặc biệt, vừa qua, xã được phủ sóng điện thoại nên việc liên lạc với gia đình đã dễ dàng hơn. Thế nhưng, đường đi từ thị trấn vào đây còn nhiều trở ngại, ngày nắng cũng mất vài giờ đi xe máy, còn mùa mưa thì có khi cả tháng trời xã bị cô lập với bên ngoài. Với vai trò Hiệu trưởng, cô Hà thường xuyên động viên các cô giáo vượt qua mọi khó khăn, kiên trì cắm bản để công tác tốt.
“Cây sáng kiến” trong công tác phổ cập giáo dục
Năm 2012, cô Hà chuyển công tác vào Trường Mầm non Tam Hợp, đây cũng là thời điểm xã Tam Hợp triển khai chỉ thị của Chính phủ về việc phổ cập giáo dục mầm non. Trường Mầm non Tam Hợp gồm 5 điểm trường là Bản Phồng, Văng Môn, Huồi Sơn, Xốp Nặm và Phá Lõm. Các điểm trường cách nhau khoảng 6 km, điểm xa nhất cách điểm chính 10 km đường rừng. Vì vậy, công tác phổ cập gặp không ít khó khăn, khiến cô Hà không khỏi trăn trở ngày đêm. “Thấy các em còn nhỏ nhưng ngày ngày phải theo bố mẹ lên nương rẫy, tuổi thơ không được học hát, học múa nên tôi đã cùng với các giáo viên của trường tìm mọi cách đưa trẻ đến trường”, cô Hà tâm sự.
Cô giáo Trần Thị Thu Hà |
Ở nơi người dân sinh sống dựa vào nương rẫy thì việc đảm bảo đủ ăn đã khó, chứ chưa nói đến việc cho các con đi học. Là xã đặc biệt khó khăn nên trẻ em ở đây đi học không phải đóng học phí. Thế nhưng, việc vận động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trẻ không thể thực hiện.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô Hà đã tham mưu chính quyền, lãnh đạo phòng giáo dục về việc “tận dụng” nguồn nhân lực là phụ huynh học sinh và nguyên liệu tại địa phương để sửa chữa trường lớp và làm đồ chơi cho trẻ. “Sáng kiến” này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh. Theo đó, ở các điểm trường lẻ, cô Hà thành lập câu lạc bộ cha mẹ học sinh để tập hợp phụ huynh làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Đó là những chiếc cầu trượt, xích đu và nhiều loại đồ chơi khác, được làm theo mô hình chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Ở Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) nói riêng và các xã miền núi nói chung, từ trước đến nay, khó khăn nhất trong công tác phổ cập có lẽ là việc vận động học sinh đến trường. Vì vậy, cứ vào đầu năm học, các cô lại đến tận từng nhà học sinh để vận động phụ huynh cho các em đến trường. Do phong tục tập quán còn khá lạc hậu, trình độ nhận thức chưa cao nên các gia đình ở đây không nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đến trường. Đặc biệt, tại những bản có người Mông sinh sống, họ có tập quán lên nương rẫy vài ba tháng mới về nhà, và những lần như thế, họ lại mang cả con em đi theo. Thế nên, phải đến tháng 11, 12, khi làm xong nương rẫy, họ trở về bản thì trường mới có đủ học sinh.
Với sự nỗ lực, cố gắng của cô Hà cùng các giáo viên nơi đây, đến nay, Trường Mầm non Tam Hợp đã có 7 lớp ở 5 điểm trường, với 168 trẻ, 13 giáo viên. Hiện nay, nhà trường đã triển khai mô hình bán trú cho trẻ. Tuy nhiên, ngoài điểm trường Bản Phồng, Xốp Nặm với 2 lớp thì 3 điểm trường còn lại, mỗi điểm chỉ có 1 lớp. Các em 3, 4, 5 tuổi học chung lớp với nhau. Điều này gây ra khá nhiều khó khăn trong việc dạy học, đặc biệt là trong việc soạn giáo án của giáo viên nơi đây.
Cô Võ Thị Tuyết Chinh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết, cô Hà là một trong những giáo viên tiêu biểu của huyện. Mặc dù công tác ở trường nằm ở vùng khó khăn nhất của huyện, phần lớn là người dân tộc nhưng cô Hà đã làm tốt công tác phổ cập và có nhiều sáng kiến trong công tác xã hội hóa giáo dục, được chính quyền và bà con đánh giá rất cao.