(Congannghean.vn)-Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 907 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia, đạt hơn 60% so với kế hoạch đề ra. Mặc dù tỉ lệ này cao hơn mức bình quân chung của cả nước, song khó hoàn thành chỉ tiêu bởi theo dự tính, đến hết năm học 2015 - 2016 cũng chỉ có thêm 20 trường đạt chuẩn theo quy định.
Theo kế hoạch HĐND tỉnh Nghệ An giao thì kết thúc năm 2015, có 987 trường học trên địa bàn toàn tỉnh được công nhận là trường chuẩn quốc gia, trong đó, riêng trong năm 2015, có 124 trường được công nhận. Tuy nhiên, đến hết tháng 10/2015, mới chỉ có 56 trường được công nhận, nâng tổng số trường được công nhận chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh là 907 trường. Dự kiến kết thúc năm 2015, toàn tỉnh có 927 trường học được công nhận là trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,95%.
Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Hòa (TX Thái Hòa) đón bằng công nhận trường chuẩn quốc gia (tháng 8/2015) |
Nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, theo đánh giá chủ yếu tập trung vào tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường lớp. Các trường không đạt tiến độ phần lớn đều nằm ở các huyện miền núi, vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Đến nay, bậc mầm non mới chỉ có 51% phòng học kiên cố, tỉ lệ phòng học kiên cố ở bậc tiểu học là 59% và bậc THCS là 78%. Trên 50% cơ sở giáo dục hiện nay chưa có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Ngoài ra, tiêu chí về số giáo viên đứng lớp cũng gặp khó khăn, nhất là ở bậc học mầm non.
Hiện nay, toàn tỉnh đang thiếu 1.026 giáo viên mầm non. Đội ngũ quản lý ở các trường mầm non cũng chưa đủ khi hiện còn có 207 trường thiếu chức danh phó hiệu trưởng và gần 300 nhân viên y tế, kế toán đang trong tình trạng “việc chờ người”. Theo quy định, giáo viên bán trú hoặc ở trường học 2 buổi/ngày thì phải có 2 giáo viên nhưng hiện nay, trên địa bàn chỉ cho phép bố trí 1,5 giáo viên/lớp, thậm chí ở nhiều huyện, tỉ lệ giáo viên đứng lớp mới chỉ đạt 1,3 giáo viên.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, hiện nay toàn huyện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong năm 2015, theo kế hoạch, huyện Tương Dương sẽ có thêm 7 trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch đó là điều khó khăn vì với địa bàn huyện miền núi, các trường có nhiều điểm lẻ nằm xa nhau, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, học sinh phần lớn thuộc diện nghèo, cận nghèo nên việc huy động nguồn lực xã hội hoá rất khó, chủ yếu chờ đầu tư của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, với địa phương còn nhiều khó khăn như Nghệ An, tỉ lệ hơn 60% các trường học đạt chuẩn quốc gia là một nỗ lực lớn. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đưa nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình, mục tiêu, đề án phát triển giáo dục trên địa bàn, cơ chế hỗ trợ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã làm tốt công tác kêu gọi việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, giải quyết được khâu quan trọng nhất trong số các tiêu chí “cứng” về chuẩn quốc gia. Đơn cử như TX Hoàng Mai, sau khi chia tách ranh giới hành chính dù gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền vẫn rất quan tâm đầu tư cho giáo dục bằng việc khuyến khích các địa phương chủ động tìm kiếm nguồn vốn xây dựng trường, kêu gọi xã hội hóa và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư. Sau hơn 2 năm, hàng chục tỉ đồng đã được sử dụng để đầu tư, nâng cấp các phòng học tại nhiều trường học trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ góp phần chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học mà còn nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chất lượng giáo dục toàn diện. Để các trường học đạt chuẩn quốc gia, trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà cần sự nỗ lực của cả cộng đồng. Hiện nay, để phấn đấu đạt kế hoạch đề ra, Sở GD&ĐT đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính là đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục.