Chúng tôi tới thăm Khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới. Chỉ còn vài ngày nữa, tuần văn hóa Nguyễn Du mới chính thức diễn ra nhưng từ trước đó, nhiều hoạt động văn hóa cấp Nhà nước đã được tổ chức.
Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du cho biết: Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Ban quản lý Khu di tích đã tổ chức thu thập những tư liệu, hiện vật liên quan đến dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Truyện Kiều, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Ban quản lý Khu di tích đã phối liên kết với các đơn vị, tổ chức trên toàn quốc trong việc chuyển tải, trao đổi thông tin về dòng họ Nguyễn Tiên Điền, dòng tộc Nguyễn Du để phục vụ quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã chuyển giao nhiều tư liệu quý liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều cho Ban quản lý Khu di tích.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du |
Tri ân đặc biệt với dòng họ Nguyễn Tiên Điền
Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn, biến cố lịch sử, những tư liệu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền hay Nguyễn Du còn lại rất ít, nhưng đến nay, Ban quản lý Khu di tích đã sưu tầm được gần 3.000 hiện vật liên quan. Đã có không ít tổ chức, cá nhân với sự tri ân và tấm lòng thành kính đối với đại thi hào dân tộc đã không ngần ngại gửi những tư liệu mà họ đã bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm cho Ban quản lý Khu di tích phục vụ việc trưng bày. Đơn cử, PGS. Nguyễn Thạch Giang (SN 1928), nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là một trong những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong số trên 70 công trình nghiên cứu của ông đã được xuất bản, có 10 công trình nghiên cứu về Nguyễn Du. Vừa qua, Ban quản lý Khu di tích đã có mặt tại nhà riêng của PGS. Nguyễn Thạch Giang ở Hà Nội để tiếp tục tiếp nhận những tư liệu quý mà PGS đã nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ.
Vừa qua, Ban quản lý Khu di tích cũng đã tiếp nhận cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Đức do ông Trần Ngọc Quyên trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, nguyên Tham tán - Công sứ Việt Nam tại Đức, Phó Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao gửi tặng. Ông Quyên là người đã trực tiếp cùng với dịch giả Franz Faber dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức. Cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Đức của dịch giả Franz Faber, được in tại Berlin năm 1980 (gồm 292 trang) đến nay còn nguyên vẹn và đã được ông Trần Ngọc Quyên lưu giữ trên 30 năm. Ngoài ra, trong số những cá nhân chuyển giao nhiều tư liệu quý cho Ban quản lý Khu di tích, có không ít người tuổi đời còn khá ít và công tác trong những lĩnh vực không liên quan đến văn hóa - nghệ thuật.
Bức tượng Đại thi hào Nguyễn Du bằng gỗ gù hương lớn nhất Việt Nam do cháu rể đời thứ 8 của cụ Nguyễn Du trao tặng |
Xuất phát từ lòng kính trọng cụ Nguyễn Du, yêu thích những câu Kiều, họ đã bỏ nhiều công sức sưu tầm những tư liệu quý liên quan đến dòng họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du và Truyện Kiều. “Tất cả những cá nhân, tổ chức chuyển giao nhiều tư liệu, hiện vật quý về Đại thi hào Nguyễn Du cho Ban quản lý đều là những người có tình yêu đặc biệt với Truyện Kiều và cụ Nguyễn Du. Họ đã bỏ thời gian, công sức để sưu tầm nhưng lại tự nguyện trao tặng cho Khu di tích, với mong muốn bổ sung vào nguồn tư liệu quý hiếm, phục vụ công tác nghiên cứu, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế khi về thăm, tìm hiểu quê hương, cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du”, ông Hồ Bách Khoa chia sẻ.
Tâm thức người trẻ với văn hóa Nguyễn Du
Trong dòng chảy của văn hóa Việt, dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã sản sinh nhiều lớp thế hệ nặng lòng với bậc tiền nhân, trong đó không thể không nhắc đến tấm lòng của cháu gái và cháu rể thuộc hậu duệ đời thứ 8 tính từ đời cụ Nguyễn Du. Đó là chị Nguyễn Thị Vân Huyền, người đã có gần 15 năm gắn bó với Khu di tích và anh Nguyễn Lê Huy, cán bộ Công ty Sữa TH True Milk, người vừa trao tặng Khu di tích bức tượng Nguyễn Du được tạc bằng gỗ gù hương gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua.
Chị Vân Huyền có bố là Nguyễn Ban - cháu đời thứ 7 của cụ Nguyễn Du, một người rất nặng lòng với văn hóa dân gian. Lúc sinh thời, ông Nguyễn Ban là diễn viên sân khấu, chuyên sáng tác các bài hát mô phỏng các điệu ví dân gian quê nhà. Năm 2001, chị xin về công tác tại Khu di tích và từ đó đến nay, đã có hàng trăm chuyến hành trình lặn lội vào Nam, ra Bắc để sưu tầm hiện vật phục vụ công tác trưng bày. Đơn cử vào năm 2004, khi nghe thông tin tại Hà Nội phát hiện một tổng tập văn bia về cuộc đời cụ Nguyễn Du, chị đã xung phong ra thủ đô, làm việc với các ban, ngành liên quan để xin đưa hiện vật vô giá này về Hà Tĩnh trưng bày. Hiện vật này bao gồm hơn 20 cuốn sách cổ, mỗi cuốn nặng 5 kg. May mắn và thuận lợi là trong những lần đi “săn lùng” các tư liệu, hiện vật về dòng họ, khi nghe giới thiệu là hậu duệ của cụ Nguyễn Du, đi đến đâu, chị cũng được mọi người quý trọng và giúp đỡ nhiệt tình.
Không những thế, chị Huyền đã truyền ngọn lửa đam mê với Truyện Kiều và cụ Nguyễn Du đến người chồng của mình là anh Nguyễn Lê Huy, một cán bộ công tác liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Cũng giống vợ, anh Huy có niềm đam mê sưu tầm cổ vật, tháng 4/2015, trong một lần đi tìm cổ vật, như một cái duyên, anh Huy nhìn thấy một gốc gù hương và lập tức nghĩ đến việc tạc tượng Đại thi hào Nguyễn Du. Suốt nhiều ngày, anh đã đi khảo sát khắp nơi, tìm đến những nơi có nhiều thợ giỏi, trưng cầu ý kiến của nhiều nhà điêu khắc, nghệ nhân ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hải Phòng… để tạc tượng cụ Nguyễn Du.
Sau 4 tháng, bức tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương có trọng lượng gần 4 tấn, cao 3,1 m và chiều rộng đáy gần 2 m đã hoàn thành. Tự hào hơn, bức tượng đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục "Tượng Đại thi hào Nguyễn Du bằng gỗ gù hương lớn nhất Việt Nam". Hiện, bức tượng đã được anh Huy trao tặng cho Khu di tích Nguyễn Du để trưng bày. Trước đó, anh cũng đã bỏ ra nhiều thời gian để sưu tầm hàng trăm cổ vật đưa về trưng bày tại Khu di tích Nguyễn Du, hình thành nên “góc cổ vật xứ Nghệ” độc đáo, thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Chương trình kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) với chuỗi các hoạt động: Tổ chức các hội thảo khoa học; xuất bản Truyện Kiều, các tác phẩm của cụ Nguyễn Du; xây dựng phim tư liệu về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của cụ Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu. Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du diễn ra từ ngày 28/11 - 5/12/2015 tại Hà Tĩnh. Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức vào ngày 5/12/2015 tại TP Hà Tĩnh. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV và các đài truyền hình Trung ương và địa phương.