Văn hóa - Giáo dục

Thực hiện Thông tư 30: Vẫn còn nhiều băn khoăn

10:49, 24/07/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lúng túng trong cách nhận xét, không phải giáo viên nào cũng linh hoạt trong các lời phê để học sinh vừa dễ tiếp thu, vừa không gây áp lực và vừa khuyến khích, động viên các em. Đó chỉ là một trong nhiều băn khoăn của các thầy cô giáo được nêu ra tại Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 30 mà Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa tổ chức vào sáng 21/7.

Sau một năm triển khai, Thông tư 30 đã làm thay đổi những “lối mòn” trong đánh giá chất lượng giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay, Thông tư 30 vẫn “làm khó” giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Các đại biểu thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc                                  sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 30
Các đại biểu thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 30

Tại Hội nghị này, nhiều nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường tiểu học đã nêu ra những băn khoăn, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cách đánh giá học sinh mới này, trong đó tập trung vào việc gặp lúng túng trong cách nhận xét. Để thay đổi và “bắt nhịp” với cách nhận xét thay vì sử dụng điểm số không phải là điều dễ dàng đối với các thầy cô giáo, nhất là những người đã có thâm niên. Nhiều giáo viên vẫn còn nhận xét chung chung, theo kiểu rập khuôn.

Trong khi đó, Thông tư 30 quy định, giáo viên nhận xét phải vừa mang tính khuyến khích, động viên các em, vừa không để các em bị “tổn thương”, có tâm lý bị so sánh với các bạn khác. Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho rằng: “Khó khăn nhất hiện nay đối với các giáo viên là việc lựa chọn từ ngữ để nhận xét, vì không phải giáo viên nào cũng có thể nhận xét một cách linh hoạt”. Ở thành phố, việc thực hiện Thông tư 30 đã khó, thì ở các vùng miền núi còn khó hơn.

Điều đó xuất phát từ đặc thù ở miền núi, nhiều phụ huynh học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thạo tiếng Việt, thậm chí mù chữ nên việc nhận xét học sinh không tạo được hiệu ứng tương tác giữa nhà trường - gia đình - học sinh. Vấn đề này được ông Phan Văn Thiết, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn trình bày tại Hội nghị. “Không phải cứ phê đỏ vở thì mới là bám sát học sinh. Với trình độ dân trí và địa hình của huyện miền núi thì việc đánh giá bằng lời nói với học sinh, phụ huynh học sinh sẽ có hiệu quả hơn lời nhận xét được ghi vào trong vở”, ông Thiết cho biết.

Nhận xét bằng lời nói cũng là điều mà nhiều trường đang thực hiện để giảm tải áp lực và khối lượng công việc cho giáo viên. Bởi việc đảm bảo tất cả các học sinh đều được đánh giá, ghi lời nhận xét là điều rất khó và mất thời gian của giáo viên. Đơn cử như ở các huyện Tân Kỳ và Đô Lương, lãnh đạo Phòng GD&ĐT yêu cầu giáo viên đánh giá bằng lời nói, thỉnh thoảng mới ghi nhận xét vào vở của học sinh. Sau 1 năm thực hiện Thông tư 30, vượt qua những “bỡ ngỡ” ban đầu, hiện nay, các giáo viên đã nhận xét ngắn gọn, khái quát hơn.

Một trong những băn khoăn nữa được các nhà quản lý giáo dục quan tâm đó là giáo viên phải sử dụng một lượng lớn sổ sách, hồ sơ. Ngoài việc ghi nhận xét vào vở học sinh, giáo viên phải ghi nhận xét, đánh giá sự tiến bộ hay chưa tiến bộ của từng em vào sổ theo dõi của mình, vào học bạ và sổ liên lạc… Thầy Lê Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho rằng, nên thiết kế một phần mềm hợp lý, vừa làm sổ theo dõi của giáo viên chủ nhiệm, khi cần thiết có thể in ra để làm sổ liên lạc hàng tháng, gửi cho phụ huynh học sinh. Như vậy, giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian và việc tương tác với phụ huynh học sinh cũng được đảm bảo. Tích hợp sổ sách để giảm bớt công việc và thời gian cho giáo viên là điều mà các thầy cô mong muốn.

Tại Hội nghị, các cán bộ quản lý giáo dục cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong việc khen thưởng học sinh. Chưa năm nào chúng ta thấy việc khen thưởng học sinh cuối năm lại nhiều kiểu như năm nay. Thông tư 30 quy định, học sinh giỏi cái gì thì khen cái đó, việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt, do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Chính vì điều này nên mỗi trường lại có những kiểu khen riêng. Điều này khiến nhiều cán bộ quản lý lo ngại về tình trạng “loạn” giấy khen. Trên thực tế, nhiều trường vẫn còn gặp lúng túng về việc khen thưởng, nhiều nội dung khen thưởng và những danh hiệu đưa ra không phù hợp với học sinh tiểu học. Trong khi đó, việc khen thưởng ngoài dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh thì còn căn cứ vào kết quả bình bầu giữa các học sinh trong lớp.

Cũng tại Hội nghị này, các đại biểu đã kiến nghị Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đánh giá học sinh cũng như tập huấn ra đề kiểm tra, đảm bảo các quy định của Thông tư 30.

Huyền Thương

Các tin khác