(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, sự thờ ơ của học sinh trong việc học và thi các môn khoa học xã hội đã làm dấy lên những quan ngại, lo lắng trong dư luận. Có thể nói, chính quan niệm “thi gì, học nấy” bấy lâu nay ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều học sinh là một trong những tác nhân chính dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều học sinh “quay lưng” với các môn xã hội. Sự điều chỉnh về cách thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, trong đó có việc điều chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu các môn thi ở các khối thi có thể tác động lớn đến tư tưởng, nhận thức cũng như động lực học tập các môn xã hội của học sinh.
Các môn xã hội sẽ được chú trọng hơn từ việc thay đổi tổ hợp khối thi |
Trong năm 2015, cùng với việc tổ chức một kỳ thi Quốc gia chung, kết quả của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp vừa là căn cứ tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, đã xuất hiện những nét mới trong cơ cấu các môn thi trong khối thi. Theo đó, lần đầu tiên sau 13 năm thực hiện tuyển sinh theo phương thức “3 chung”, đã xuất hiện một số tổ hợp khối thi “lạ” với sự “góp mặt” nhiều hơn của các môn khoa học xã hội. Ví dụ như tổ hợp: Toán, Vật lý, Ngữ văn; Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử; Toán, Hóa học, Ngữ văn; Tiếng Anh, Lịch sử, Toán; Hóa học, Địa lý, Tiếng Anh… Đáng nói là, nhiều nhóm ngành kỹ thuật, kinh tế cũng quyết định sử dụng các môn khoa học xã hội trong tổ hợp khối thi mới. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng trong việc cải thiện vị trí của các môn xã hội trong hệ thống các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, khi thực hiện chương trình phân ban trong năm học vừa qua, có chưa đến 2% trong tổng số học sinh trên cả nước lựa chọn ban khoa học xã hội hoặc ban cơ bản nâng cao cho ba môn: Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Số học sinh lựa chọn học các môn khối C được dự báo là sẽ còn “teo tóp” dần trong những năm tới nếu như không có những thay đổi trong ý thức học tập, thi cử đối với các môn học này.
Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đăng ký dự thi khối C trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay cũng xuống mức thấp kỷ lục, chỉ chiếm chưa tới 5% lượng hồ sơ đăng ký dự thi. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ ở các môn khoa học xã hội đều rất thấp. Đặc biệt, hiện tượng hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua không thể xem là “chuyện bình thường” mà đã trở thành vấn đề nhức nhối cho cả xã hội nói chung và những ai quan tâm đến chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng trong thời gian qua. Thực tế hiện nay cho thấy, có rất nhiều học sinh (kể cả các bậc phụ huynh) đang có tư tưởng coi thường, hờ hững với các môn xã hội.
Trong suy nghĩ của không ít học sinh, các môn xã hội chỉ là “môn phụ”, môn “học thuộc lòng”. Phần lớn học sinh từ đầu cấp THPT đều có tư tưởng “học lệch”, nghĩa là chỉ chú tâm học các môn khoa học tự nhiên để phục vụ cho kỳ thi ĐH, CĐ sau này, dẫn đến tâm lý chỉ học đối phó, qua loa các môn khoa học xã hội, cốt sao đủ điểm thi tốt nghiệp. Nhiều học sinh lựa chọn thi các khối thi có các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học vì cho rằng: Cơ hội lựa chọn ngành nghề khi theo học các môn này là rất rộng và mang lại thu nhập cao.
Trái lại, cơ hội xin được việc làm sau khi ra trường khi học các ngành học có thi các môn khoa học xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Sự “quay lưng”, né tránh các môn khoa học xã hội đang là một thực tế đáng buồn và chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Bên cạnh việc thiếu hụt trầm trọng đội ngũ trí thức có năng lực thuộc lĩnh vực khoa học xã hội trong tương lai không xa thì hiện tượng học sinh không hứng thú, mặn mà với các môn khoa học xã hội là một biểu hiện của sự xem thường các giá trị văn hóa, tinh thần, các yếu tố bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách và xa hơn là sự “quay lưng” với các giá trị làm người.
Các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, những vụ hành xử theo kiểu “xã hội đen” mà thủ phạm đang dần “trẻ hóa” có chiều hướng gia tăng phải chăng ít nhiều có sự liên quan đến việc xa rời, hời hợt đối với các giá trị đạo đức, nhân văn trong các môn khoa học xã hội được học trong nhà trường.
Khi mà quan niệm “thi gì, học nấy” đang ăn sâu trong nhận thức, suy nghĩ của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay thì việc thay đổi cơ cấu các môn thi trong các khối thi theo hướng tăng dần sự xuất hiện của các môn khoa học xã hội được kỳ vọng là sẽ có những tác động tích cực tới nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội. Đồng thời sẽ tạo động lực, làm thay đổi thái độ học tập của học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường phổ thông.
Trước hết, với sự thay đổi này, dư luận xã hội sẽ có cái nhìn khách quan, đúng đắn hơn đối với vị trí, vai trò của các môn khoa học xã hội - những môn học có tác động, ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh. Đối với học sinh, khi có sự “góp mặt” của các môn xã hội ở các khối thi, ngành thi ĐH, CĐ, những định kiến về các “môn phụ”, môn “học thuộc lòng” sẽ không còn nữa. Thay vào đó là sự điều chỉnh về thái độ, động lực và phương pháp học tập đối với các môn xã hội. Bởi, muốn hiện thực hóa ước mơ bước chân vào cánh cửa các trường ĐH, CĐ, không có cách nào khác là học sinh không được phép “học lệch’.
.