(Congannghean.vn)-Mặc dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng với đam mê nghề nghiệp, ước muốn làm một việc gì đó có ích cho đời, ông Thái Bá Am (SN 1935) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ. Với kiến thức vốn có, ông đã mở lớp dạy Tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh trong xã. Chính vì vậy, người dân xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc thường gọi ông với cái tên trìu mến: "Ông giáo làng".
Theo hướng mũi tên chỉ dưới hàng chữ “Dạy Tiếng Anh cho cộng đồng, miễn phí” viết bằng sơn trên tường dọc đường xóm 4, xã Nghi Trung, chúng tôi tiến vào ngôi nhà cấp 4 nằm giữa vườn cây. Thấy có khách lạ, “ông giáo già” ra hiệu cho các cháu nghỉ giải lao, niềm nở đón tiếp chúng tôi. Nói về cái duyên đưa ông đến với lớp dạy Tiếng Anh, ông Am cho biết: Năm 2000, trong một lần sang nhà hàng xóm chơi, thấy cháu học sinh cấp 2 xin mẹ 20.000 đồng đi học thêm một buổi mà ông thấy xót quá. Qua tìm hiểu, ông biết nhiều hộ gia đình trong vùng đều làm nông, kinh tế khó khăn. Vì vậy, ông bàn với vợ dành một gian nhà để mở lớp dạy học miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy giáo làng Thái Bá Am giới thiệu về phương pháp dạy học của mình |
Nghĩ là làm, ngày hôm sau, ông Am đặt thợ mộc làm mấy bộ bàn ghế rồi mua hộp sơn về, bắt đầu viết bảng hiệu mở lớp học Tiếng Anh miễn phí cho mọi lứa tuổi rồi đem cắm ở các ngả đường trong xã. Sau đó, ông còn đến từng nhà vận động các cháu đi học, tìm cách giải thích cho bố mẹ các cháu tin tưởng là
lớp học không mất học phí. Nhiều phụ huynh tỏ ra nghi ngờ về ý định mở lớp dạy miễn phí của ông. Mới đầu, lớp học Tiếng Anh của “ông giáo làng” chỉ có vài em học sinh THCS, THPT tới học. Do phương pháp giảng dạy của ông đơn giản, dễ hiểu nên các trò tiếp thu rất nhanh.
Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Am ngày càng có đông học sinh tìm đến học, với đủ mọi cấp học, từ lớp một đến đại học.
Để việc dạy mang lại hiệu quả thầy Am chia lớp thành từng nhóm, mỗi nhóm lại dạy một nội dung phù hợp. Giảng bài cho nhóm này xong, thầy lại chuyển sang nhóm khác. Lớp học của thầy thường duy trì khoảng 20 học sinh. Thầy không đứng trên bục giảng mà ngồi bên cạnh trò, xem chỗ nào các em chưa hiểu thì chỉ bảo ngay. Trải qua 15 năm, từ lớp học này, nhiều người đã thi đỗ cao đẳng, đại học, đi học nghề, tìm được công việc ổn định. Bạn Quang Sơn (23 tuổi), sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Huế chia sẻ: “Dù sức khỏe thầy đã yếu nhưng thầy luôn hết lòng vì các trò. Nhờ có thầy Am mà em mới có được kết quả như ngày hôm nay”.
Dù đã ở tuổi 80 nhưng thầy Am còn rất minh mẫn, vẫn đều đặn giảng bài cho học trò mỗi lúc rảnh rỗi. Sự khác biệt của thầy là lúc nào học trò cần, thầy đều bỏ dở công việc của mình để dành thời gian chỉ dạy cho các em. Không chỉ dạy cho các học trò quanh xóm, lớp học của thầy Am còn có cả những học sinh là trẻ em lang thang, bán hàng rong. Người thầy giáo già cần mẫm dạy trò đủ các môn học, từ Toán, Văn, Lịch sử đến Ngoại ngữ và còn dạy các em cả những bài học làm người.
Khi chúng tôi hỏi về phương pháp truyền thụ kiến thức cho các cháu, thầy Am cười nói: Tất cả kiến thức đều do tôi tự mày mò, ôn lại từ những gì mình đã học ngày xưa. Ngoài ra, ông còn tự soạn một bộ giáo trình "Tiếng Anh không mệt", viết bằng tay. Bộ giáo trình gồm 2 tập, dày 800 trang, với 300 bài giảng. Theo thầy Am, mỗi bài giảng trong giáo trình là một nấc thang về kiến thức trong Tiếng Anh.
Thầy không giảng chung cho tất cả mọi người một lúc, mà chọn phương pháp kèm riêng từng người. Ban đầu là những bài học đơn giản về ngữ pháp, từ vựng, sau đó là nghe - nói - viết, rồi đến các bài khó hơn như học bằng phiếu. Khi đưa ra một lá phiếu in hình con vật, đồ vật thì học trò lập tức phải gọi tên bằng tiếng Anh.
Thầy Am tâm sự: "Nếu còn sức lực và trí tuệ thì tôi vẫn cứ tiếp tục truyền đạt cho các cháu. Mong sao các cháu học thật giỏi để thoát cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau", có công việc ổn định, cuộc sống hạnh phúc”.
.