(Congannghean.vn)-Ngã 3 Yên Lý, một trong những nút giao thông huyết mạch của miền Bắc chi viện cho miền Nam bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Chính nơi đây, biệt kích Mỹ, tay sai phản động thường xuyên trà trộn hòng phá hoại sự bình yên trên địa bàn Nghệ An. Với vai trò là Trưởng Công an xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, đồng chí Nguyễn Văn Tạo đã không ngại khó, ngại khổ, mưu trí, dũng cảm cùng nhân dân đánh trả, đập tan nhiều toán biệt kích gián điệp, lập chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cận vệ của tướng Nguyễn Sơn
Cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Tạo tạm gác công việc ruộng nương, chia tay người vợ trẻ và gia đình lên đường nhập ngũ. Ngày ra đi, quê hương còn thiếu thốn trăm bề nên hành trang mang theo chẳng có gì ngoài nhiệt huyết sục sôi của người lính trẻ để góp phần đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Vào bộ đội, qua nhiều vòng tuyển chọn, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt: Bảo vệ đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4 và 5.
Đồng chí Nguyễn Văn Tạo (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo Ty Công an Nghệ An trong một lần gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn - Ảnh tư liệu |
Năm 1947, với những thành tích xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quân ngũ, đồng chí Tạo luôn được đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Sơn tin tưởng, giao nhiều công việc quan trọng. Nhiều năm liền sống gần gũi bên cạnh tướng Nguyễn Sơn nên Nguyễn Văn Tạo đã được tôi luyện qua nhiều gian nan, thử thách. Chính những năm tháng ấy đã giúp Nguyễn Văn Tạo trở thành người cận vệ xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng, quân đội ta. Những hồi ký sau này đều ghi nhận, đồng chí Nguyễn Văn Tạo không chỉ giỏi võ mà còn vận dụng sự mưu trí, sáng tạo trong khi làm nhiệm vụ, được nhiều người mến trọng.
Sau khi tham gia chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), đồng chí Nguyễn Văn Tạo bị bệnh nặng nên được tướng Nguyễn Sơn và tổ chức cho về quê nhà an dưỡng.
Lăn xả ở ngã 3 Yên Lý
Về quê, sau một thời gian sức khỏe đã bình phục, tổ chức Đảng thời kỳ ấy đã giao Nguyễn Văn Tạo tham gia Công an vũ trang địa phương, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Ở nhiệm vụ mới, đồng chí đã làm tốt vai trò “dân vận” khi cùng ăn, cùng ở để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân rồi vận động hàng trăm giáo dân nơi đây ở lại xây dựng địa phương, không nghe theo bọn phản động di cư vào Nam, chia rẽ đoàn kết lương - giáo vào những năm 1954 - 1955. Thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Yên Lý là ngã 3 quan trọng nối QL1A với QL48 lên các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An, cũng là trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Là Trưởng Công an xã, đồng chí Nguyễn Văn Tạo không ít lần tiên phong lăn xả cứu hàng, cứu người trong mưa bom, lửa đạn, đảm bảo giao thông thông suốt trên từng cung đường. Bằng kinh nghiệm và tài năng, trí tuệ học hỏi được từ đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Sơn khi còn trong quân ngũ, đồng chí Nguyễn Văn Tạo đã thể hiện tố chất mưu trí, dũng cảm của người chiến sỹ cách mạng.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tạo (ngoài cùng bên trái, hàng đầu) trong đội hình các Anh hùng LLVT nhân dân cả nước thời kỳ chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Con trai đầu của đồng chí Nguyễn Văn Tạo là Nguyễn Văn Hùng, từng là cán bộ Công an Nghệ An chi viện cho lực lượng An ninh miền Nam từ năm 1974, nay đã 65 tuổi vẫn không thể quên được hình ảnh người cha của mình trong những năm chống Mỹ. Ông Hùng cho biết, ngày ấy, cha của ông rất ít có dịp ăn cơm cùng vợ con. Sáng sớm chưa tỏ mặt người, ông đã lên “công sở” tại khu vực ngã 3 Yên Lý để nắm tình hình. Công việc gia đình do một mình vợ cáng đáng, lo toan, thay chồng nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành. Tối đến, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, ông vẫn ngồi lặng lẽ trong gian nhà tranh vách đất nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về những vụ việc liên quan chưa giải quyết xong trong ngày. Ngày nào cũng vậy, khi có việc là ông đi ngay, không cho phép mình chậm trễ. Nhiều tên tội phạm lợi dụng tình hình chiến tranh đã trà trộn vào ga tàu, xe hàng vận tải của ta trên đường tiếp tế vào miền Nam để trộm cắp. Cũng không ít tên gián điệp xâm nhập vào địa bàn đã bị ông phát hiện, phối hợp với Công an huyện, các phòng nghiệp vụ của Ty Công an Nghệ An lập án, tóm gọn.
Phá án giỏi, nói dân tin
Ngược dòng lịch sử, vào đầu năm 1957, chùa Mỹ Quan bị mất một chiếc chuông cổ bằng đồng, nặng 2,5 tạ khiến người dân hoang mang. Đây là ngôi chùa có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người dân ở trong vùng, nên việc phải tìm ra thủ phạm “nóng” hơn bao giờ hết. Sau khi nhận định tình hình, khám nghiệm hiện trường, đồng chí Tạo đã cùng một số đồng chí trong Ban Công an xã nhanh chóng tỏa đi các làng đúc đồng trong và ngoài huyện Diễn Châu để lần tìm manh mối. Không kể ngày đêm, bất chấp mưa gió, rét mướt, đồng chí vẫn lặng lẽ lần tìm dấu vết tội phạm. Khi đến xã Diễn Tháp thì phát hiện có dấu vết của một chiếc chuông đồng cổ đã bị phá vỡ thành từng mảnh chuẩn bị đem đi lò nung. Sau gần một tuần đấu tranh, thu thập chứng cứ, Ban Công an xã Diễn Yên đã buộc Lê Viên, là đối tượng nghi vấn ban đầu phải cúi đầu nhận tội. Phá vụ án trộm chuông đồng cổ tại chùa Mỹ Quan là thành tích đầu tiên mà đồng chí Nguyễn Văn Tạo cùng Ban Công an xã lập được, nhờ đó, đồng chí đã gây dựng được sự tin tưởng, yêu quý trong lòng nhân dân.
Cuối năm 1970, trên địa bàn Yên Lý xuất hiện một đối tượng tự xưng là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, 2 đối tượng còn lại làm cận vệ, trà trộn vào khu vực ga tàu, khu dân cư với súng ống luôn bên người. Đi đến đâu, chúng cũng dở “kịch bản” và tài ăn nói khiến nhiều người tin tưởng, nghe theo để thu thập tài liệu bất lợi cho cách mạng. Bằng con mắt tinh tường, đồng chí Nguyễn Văn Tạo đã đặt ra nhiều nghi vấn qua những cử chỉ, hành động của bọn chúng. Kịp thời báo cáo lên cấp trên, đồng chí Tạo nhanh chóng cử cán bộ Công an xã theo dõi nhất cử, nhất động của 3 đối tượng này. Bằng một vài thao tác, đồng chí Nguyễn Văn Tạo đã phát hiện giấy tờ của “đại tá” trên là hoàn toàn giả tạo. Chuyện bắt đại tá quân đội rởm trong chiến tranh vẫn được lưu truyền đến nay như một giai thoại. Sự phát hiện kịp thời của đồng chí Tạo đã được Công an tỉnh thời kỳ ấy khen thưởng, đánh giá rất cao. Đó mới chỉ là 2 trong số hàng chục vụ án mà đồng chí Tạo đã lập công xuất sắc trong thời kỳ chiến tranh.
Nhờ uy tín và cách sống bình dị của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tạo luôn được nhân dân tin tưởng. Đồng chí đã làm công tác gây dựng cơ sở từ quần chúng, qua đó được quần chúng nhân dân cung cấp nhiều nguồn tin về ANTT cũng như huy động toàn dân tham gia vào việc làng, việc xã. Chuyện còn kể rằng, vào năm 1967, khi tàu hàng cứu trợ đưa gạo trên biển đang trên đường cập bến thì bị máy bay Mỹ đánh chìm. Toàn bộ số gạo vớt được bị ướt, ẩm. Đồng chí Tạo đã vận động bà con trong vùng đổi hàng tấn gạo khô lấy gạo ướt để gửi cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Chưa kể, tại địa bàn do mình phụ trách, đồng chí đã làm tốt công tác cảm hóa đối tượng lầm lỡ trở về sống có ích cho gia đình, xã hội. Không ít đối tượng nghiện hút thuốc phiện, gây rối trật tự công cộng được khuyên nhủ, răn đe đã trở về với cuộc sống lương thiện. Nhờ những thành tích xuất sắc, ngày 25/8/1970, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đồng chí cũng là 1 trong 4 cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân của Công an Nghệ An được tuyên dương trong thời kỳ chống Mỹ.
Đến năm 1976, khi đất nước đã thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Diễn Yên. Trên cương vị mới, đồng chí đã tích cực vận động, lãnh đạo bà con hăng say sản xuất, phát triển kinh tế địa phương. Những năm đó cho đến tận bây giờ, người dân ở đây biết tới ông với những cái tên: “Chủ tịch xã phá án”, “ông Tạo Công an”, “người Anh hùng bình dị”… Năm 1993, ở tuổi 76, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tạo đã về với miền thiên cổ, nhưng tấm gương cống hiến của đồng chí vẫn sẽ được lưu truyền đến mai sau.