Văn hóa - Giáo dục
Mạnh tay xử lý các loại sách ngôn tình phản cảm, trái thuần phong mỹ tục
08:57, 31/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, những cuốn tiểu thuyết ngôn tình, đam mỹ của các nhà văn Trung Quốc đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường sách Việt Nam. Điều này sẽ không có gì đáng bàn nếu như những cuốn sách đó không đề cập đến vấn đề giới tính và đời sống tình dục một cách phản cảm và quá đà. Trước tình trạng trên, Cục Xuất bản, in và phát hành Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn yêu cầu các nhà xuất bản không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình và đam mỹ không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tác phẩm dịch là một phần quan trọng của kho tàng tri thức văn học và được một lượng lớn độc giả Việt Nam yêu thích, tiếp nhận. Trong đó, phải khẳng định rằng, bản thân thể loại ngôn tình không có “lỗi” và nói tiểu thuyết ngôn tình “làm hại” giới trẻ cũng không hẳn đúng, bởi có khá nhiều cuốn sách hay đúng nghĩa kể về những câu chuyện tình yêu đẹp, lãng mạn được chuyển thể thành các bộ phim “ăn khách”. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, còn phần lớn các tác phẩm ngôn tình hiện nay thường có những chi tiết gợi dục để gây “giật gân”, “câu khách”. Điển hình là gần đây đã xuất hiện nhiều cuốn sách ngôn tình, đam mỹ, cụ thể là sách đề cập đến đời sống tình dục đồng tính nam có nhiều chi tiết miêu tả đời sống tình dục một cách thô tục, phản cảm.
Giới trẻ nên lựa chọn những cuốn sách phù hợp, tránh những truyện ngôn tình không hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc |
Vừa qua, nhiều cuốn sách ngôn tình, đam mỹ của các tác giả Trung Quốc đã bị Cục Xuất bản, in và phát hành đình chỉ phát hành và yêu cầu thu hồi để sửa chữa, rà soát lại nội dung. Đây là những cuốn sách được đánh giá là đã miêu tả các vấn đề liên quan đến tình dục một cách quá tỉ mỉ, gợi dục, phản cảm, tác động tiêu cực đến một bộ phận độc giả mới lớn. Việc Cục xuất bản, in và phát hành ban hành công văn chính thức yêu cầu các nhà xuất bản không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình và đam mỹ được coi là một biện pháp xử lý “mạnh tay” của cơ quan quản lý nhằm chấn chỉnh, “lành mạnh hoá” hoạt động xuất bản.
Có thể thấy, số lượng người tìm đọc sách ngôn tình, đam mỹ hiện nay rất lớn, trong đó chủ yếu là độc giả trẻ và độc giả ở Nghệ An cũng không phải ngoại lệ. Chỉ cần vào các trang mạng xã hội, có thể thấy rất nhiều fan của dòng tiểu thuyết này. Tại Công ty cổ phần Văn hóa Huy Hoàng (trước là nhà sách Thành Vinh), có hẳn một kệ riêng bày bán đa dạng các loại sách ngôn tình, đam mỹ của nhiều tác giả khác nhau như Diệp Lạc Vô Tâm, Cố Mạn, Diệp Tử, Đinh Mặc... với giá từ 80.000 đồng trở lên. Khác với những cuốn sách khác, các cuốn tiểu thuyết của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm được bọc nilon kín nên không thể xem được nội dung bên trong, phía ngoài có dán tem “Sách bán chạy”, “Tác giả ăn khách”.
Còn nhớ vào đầu tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một nhà sách đã đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với tác giả Diệp Lạc Vô Tâm. Hàng nghìn bạn trẻ đã chen lấn, xô đẩy để được gặp “thần tượng” của mình. Thậm chí, những người đến sau không có chỗ ngồi đã trèo lên hàng rào, cửa sổ để được nhìn thấy “thần tượng”. Nội dung buổi giao lưu xoay quanh các “cảnh nóng” trong tiểu thuyết, thậm chí, những cặp đôi đang yêu đã vô tư thể hiện tình cảm trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Như vậy, có thể thấy, sức ảnh hưởng và nhu cầu đọc tiểu thuyết ngôn tình là rất lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, suy nghĩ, quan điểm về tình yêu, quan hệ hôn nhân của giới trẻ.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trường Đại học Vinh cho biết: “Tính giáo dục, thẩm mỹ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc trong dòng sách ngôn tình là rất hạn chế, nếu không nói là không có, thay vào đó là những chi tiết phản cảm, thô tục. Trong khi đó, đối tượng độc giả mà dòng sách này hướng đến chủ yếu là từ 15 - 25 tuổi, bởi vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức của cả một thế hệ trẻ nếu như không có biện pháp xử lý kịp thời để hướng người đọc đến những tác phẩm có giá trị đích thực” .
Việc ban hành công văn nhằm “mạnh tay” xử lý tình trạng trên là động thái tích cực và cần được triển khai quyết liệt để các nhà xuất bản tăng cường đề cao trách nhiệm trong việc mua bản quyền, dịch và xuất bản các tác phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Huyền Thương