Văn hóa - Giáo dục

Đàm Quỳnh Ngọc

Nhà văn của những ân tình xứ Nghệ

08:07, 28/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nhắc tới Đàm Quỳnh Ngọc, người ta nghĩ ngay đến một cây bút văn chương mang đậm phong cách xứ Nghệ, quyết liệt nhưng chân thành, luôn đau đáu hướng về những mảnh đời nhỏ bé sau lũy tre làng. Chị không chỉ là một nhà văn có tài, một nhà báo có tâm mà còn là người nâng đỡ rất nhiều tài năng văn chương vượt lên bất hạnh trong cuộc sống để tỏa sáng. 
 
Nặng lòng với đất và người xứ Nghệ
 
Đàm Quỳnh Ngọc (SN 1967) sinh ra và lớn lên ở miền quê ven biển Quỳnh Lưu. Tuổi thơ trôi qua trong vị muối biển mặn mòi và gió Lào bỏng rát đã làm nên cái chất trữ tình mộc mạc, đằm sâu trong các tác phẩm của chị. Tình yêu văn chương đến với chị rất đỗi tự nhiên, giản dị từ những năm học tiểu học, khi chị lần đầu tiên được đọc cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Niềm say mê với chữ nghĩa được nhen nhóm từ những ngày niên thiếu đã thôi thúc chị cầm bút viết nên truyện ngắn đầu tay “Ông Ky”. 
 Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc thời mới vào làng văn
Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc thời mới vào làng văn
 
Gần ba mươi năm cầm bút, Đàm Quỳnh Ngọc cứ mải miết đi và viết. Từ những chuyến đi, chị được tiếp xúc với nhiều mảnh đời, đặc biệt là số phận éo le, buồn tủi của những người phụ nữ trên mảnh đất quê hương mình. Đàm Quỳnh Ngọc viết nhiều về những nữ thanh niên xung phong, những cô gái nông trường, những nữ cựu chiến binh, những người đàn bà nông dân chân lấm tay bùn… Sự cảm thông, thấu hiểu, nỗi niềm “thương người thương mình” đã “chảy” vào văn của chị, làm nên những trang viết “rất đời” và lấp lánh tình người. Sở hữu gia tài sáng tác phong phú gồm 6 tập tiểu thuyết, truyện ngắn và bút kí, các tác phẩm của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc đã gặt hái được nhiều giải thưởng văn chương cao quý. 
 
Không chỉ là một nhà văn tài năng, Đàm Quỳnh Ngọc còn là một cây bút báo chí sắc bén. Nhiều phóng sự văn hóa - xã hội của chị về bộ mặt làng quê thời đổi mới đã được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn. Đặc biệt, hai bài ký “Đi lên từ đất” và “Những đứa trẻ nhà quê” đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà báo Nghệ An năm 2002 và 2010, với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An, Ban chấp hành Hội VHNT Nghệ An, đồng thời là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. 
 
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
 
Với cương vị là một người đi trước khai phá cho mình con đường riêng trong “địa hạt” văn chương, Đàm Quỳnh Ngọc được nhiều cây bút trẻ tìm đến để được chị sẻ chia và dẫn lối. 
 
Năm 2014, Đàm Quỳnh Ngọc nhận được bản thảo về tập truyện ngắn “Liều thuốc thần kì” của chị Nguyễn Thị Minh Thìn (xóm 6, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương). Tập truyện là những “lát cắt” cuộc đời của người phụ nữ từng là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, không chồng, không con, không nhà cửa. Gần 200 bản sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành đã được chị nhận phát hành giúp và nhanh chóng kêu gọi được các tấm lòng yêu văn chương đón nhận, ủng hộ nhiệt tình. 
 
Một cây bút không chuyên khác cũng đã được nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc động viên, giúp đỡ là chị Nguyên Vũ ở huyện Quỳnh Lưu. Hơn 50 tuổi, làm đủ việc của nhà nông, cho tới buôn bán nhỏ, làm “ôsin” để nuôi hai con học đại học, chị Vũ vẫn cháy bỏng tình yêu với văn chương. Tập truyện đầu tay “Bến bờ” của chị được nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc giới thiệu ở Hội sách Việt Nam. Đây là một sự cổ vũ không nhỏ cho những con người có hoàn cảnh, số phận không may mắn muốn vươn lên để sống với đam mê của đời mình. 
 
Nói về những điều ý nghĩa mà mình đã làm, nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc chỉ cười, nói: “Trong cuộc sống, người nghèo, khổ nhiều lắm, tôi chỉ biết lắng nghe, chia sẻ để hiểu thêm số phận của họ. Đó là trách nhiệm của một nhà văn. Những người tâm huyết với văn chương đến tôi chơi, hỏi viết văn phải bắt đầu như thế nào, tôi coi là bạn, chưa bao giờ có ý… bày vẽ! Mà làm sao bày vẽ được? Viết văn giống như tình yêu trời cho, có ai bày được tình yêu phải thế này, thế kia đâu?”.

Thu Phương

Các tin khác