Văn hóa - Giáo dục

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung

15:37, 19/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội làng Sen 2015 và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND 13 tỉnh khu vực miền Trung tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung 2015”. Đây là dịp để tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, tăng cường khối đoàn kết toàn dân.
 
“Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung” năm nay được tổ chức từ ngày 17 - 19/5, đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, như một lời tri ân, thể hiện tấm lòng thành kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “...Các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng, để xây dựng một nước Việt Nam mới...”. 
Một trong những hình ảnh về sinh hoạt văn hóa của dân tộc Thái, Nghệ An được trưng bày tại triển lãm
Một trong những hình ảnh về sinh hoạt văn hóa của dân tộc Thái, Nghệ An được trưng bày tại triển lãm
Ngày hội có sự tham gia của 13 tỉnh khu vực miền Trung, với chủ đề “Các dân tộc miền Trung - Đoàn kết - Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Góp phần phát triển bền vững đất nước”, gồm nhiều hoạt động đặc sắc. Ngày hội là dịp để tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung, đồng thời là cơ hội để các tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong khu vực về ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền Trung tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế. 
 
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các dân tộc thiểu số luôn được đánh giá cao, thể hiện vai trò và vị trí quan trọng của mình. Địa bàn mà các đồng bào sinh sống là một phần đất đai gắn liền với lãnh thổ của đất nước. Đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử và qua thử thách, đã chứng minh được truyền thống đoàn kết trong chiến đấu, bảo vệ vùng đất sinh sống. Dải đất rộng lớn về phía Tây Nghệ An là địa bàn sinh tụ của nhiều dân tộc thiểu số, bao gồm các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ-đu, Mông. Mỗi dân tộc mang một bản sắc riêng, được thể hiện rõ nét trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động kinh tế.
 
Dân tộc Kinh chiếm đa số, với 2.600.000 người sinh sống, chủ yếu ở đồng bằng, trung du, miền núi, ven biển. Người Kinh có đời sống văn hóa vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng và nền văn hóa dân gian giàu bản sắc, tiêu biểu là dân ca ví, giặm vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân tộc Thái với 305.000 người sinh sống chủ yếu ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... Họ ở nhà sàn, làm lúa nước với hệ thống cọn nước độc đáo và nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. Đời sống văn hóa của dân tộc Thái vô cùng đặc sắc, với các lễ hội Xăng Khan, cồng chiêng và các làn điệu dân ca xuối, nhuôn, lăm, khắp. 
 
Ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết: “Trong suốt bề dày lịch sử phát triển của Nghệ An, có sự đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số. Từ xa xưa, các đồng bào đã khai khẩn các vùng đất để canh tác, chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, từng tấc đất thiêng liêng và tiếp thu sáng tạo các di sản văn hóa vô giá đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Dịp này, tỉnh Nghệ An tham gia trưng bày với 2 phần: Phần bản sắc văn hóa các dân tộc Nghệ An với 25 ảnh và 40 hiện vật về bản sắc văn hóa các dân tộc; phần Nghệ An - điểm đến du lịch giới thiệu các di tích danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch hấp dẫn, văn hóa ẩm thực xứ Nghệ. 
 
“Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung” thực sự là cơ hội để các dân tộc giao lưu, từ đó phát huy những tinh hoa văn hóa, làm phong phú thêm bản sắc văn hoá khu vực, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Huyền Thương

Các tin khác